Nhật Bản - ASEAN "bắt tay" phát triển ô tô điện

CẨM ANH 24/05/2024 03:30

Nhật Bản và ASEAN sẽ xây dựng một chiến lược chung kéo dài một thập kỷ để phát triển ngành công nghiệp ô tô điện thế hệ mới.

>> Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

Nissan ứng dụng nhà máy thông minh để sản xuất các xe ô tô có chất lượng cao.

Phát biểu tại sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai châu Á 2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản và ASEAN sẽ xây dựng một chiến lược chung kéo dài một thập kỷ để phát triển ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo trong bối cảnh các quốc gia đang cạnh tranh vị trí số 1 trong lĩnh vực này.

Ông Kishida cho biết: "Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu hiện đang trải qua một làn sóng thay đổi mang tính cách mạng. Thập kỷ tới sẽ rất quan trọng trong việc xác định ai là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này".

Thủ tướng Kishida nói thêm, Nhật Bản sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), một tổ chức tư vấn quốc tế có trụ sở tại Jakarta do chính phủ Nhật Bản tài trợ, để xác định lộ trình phát triển của ngành cho đến năm 2035 và xây dựng chiến lược trở thành trung tâm công nghiệp cho xe hybrid, xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường khác.

Ông Kishida cho biết chiến lược này là để đảm bảo ASEAN duy trì vị trí trung tâm trong ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo của thế giới; đồng thời nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp ô tô là biểu tượng của mối quan hệ đối tác kinh tế lâu dài giữa Nhật Bản và các nước ASEAN”.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và ASEAN sẽ xem xét mua sắm chung các nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong pin xe điện cũng như hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực như tái chế pin. Hai bên cũng đang xem xét hợp tác dự án phát triển nhiên liệu sinh học làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN và có thị phần cao ở đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện trên khắp ASEAN và thế giới.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hãng xe Trung Quốc đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các hãng xe Nhật Bản. Thái Lan cung cấp trợ cấp và giảm thuế cho các hãng sãn xuất xe điện thiết lập nhà máy ở trong nước. Các thương hiệu xe điện của Trung Quốc như BYD đã tận dụng chương trình ưu đãi này. Nhờ vậy, 85% xe điện tiêu thụ ở Thái Lan trong năm ngoái đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, thị trường Đông Nam Á đang trở nên tiềm năng trong mắt các nhà sản xuất ô tô điện toàn cầu. Đông Nam Á đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong các chính sách và thái độ của người tiêu dùng đối với xe điện. Điều này được thúc đẩy bởi những lo ngại ngày càng tăng của xã hội về biến đổi khí hậu và thách thức trong việc đáp ứng các mục tiêu giảm carbon.

>> "Cuộc chiến" xe điện EU - Trung Quốc thêm căng

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lắp ráp hơn 3 triệu xe mỗi năm tại Đông Nam Á.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lắp ráp hơn 3 triệu xe mỗi năm tại Đông Nam Á.

Theo phân tích của EY-Parthenon, tổng doanh số bán xe điện của Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt khoảng 8,5 triệu chiếc vào năm 2035. Trong số này, Indonesia dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất khu vực tính theo khối lượng, với doanh số ước tính 4,5 triệu chiếc trên cả ba phân khúc xe điện.

Trong khi Thái Lan được dự đoán sẽ đứng thứ hai về khối lượng bán hàng ước tính (2,5 triệu chiếc), giá trị bán hàng ước tính EV của quốc gia này là 35 - 42 tỷ đô la Mỹ vào năm 2035 dự kiến sẽ lớn hơn Indonesia (26- 30 tỷ đô la Mỹ) do nhu cầu lớn hơn đối với xe chở khách ở các mức giá cao hơn.

Sự tăng trưởng dự kiến trong doanh số bán xe điện đến năm 2035 sẽ tạo cơ hội cho cả những doanh nghiệp nội khối và toàn cầu ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ thị trường xe điện của khu vực vẫn còn nhiều thách thức.

Doanh số bán EV chỉ chiếm 2,1% tổng doanh số bán xe ở Đông Nam Á năm 2022, so với 2,3% ở Ấn Độ và 29% ở Trung Quốc. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng sạc cho pin điện chậm phát triển và giá EV tương đối cao vì thường được nhập khẩu.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tham Siew Yean thuộc Đại học Quốc gia Malaysia, các nước ASEAN cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp. Đồng thời, khu vực này nên thống nhất tiêu chuẩn cho pin xe điện, tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện, giúp thực hiện các kế hoạch hiệu quả và dễ dàng hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc tung loại xe điện mới, châu Âu lại lo ngại

    Trung Quốc tung loại xe điện mới, châu Âu lại lo ngại

    03:30, 15/05/2024

  • "Cuộc chiến" xe điện EU - Trung Quốc thêm căng

    03:30, 04/05/2024

  • Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    04:00, 20/05/2024

CẨM ANH