Mỹ tăng thuế với Trung Quốc (Kỳ I): Mỹ đang toan tính gì?

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập ] 26/05/2024 03:00

Với việc Mỹ công bố loạt thuế mới đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dường như bước vào giai đoạn leo thang mới.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt bút ký quyết định tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5 - Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt bút ký quyết định tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 14/5 - Ảnh: AP

>> Quốc gia nào hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung?

Tổng thống Mỹ Biden vừa ký đạo luật tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm: Mức thuế đối với xe ô tô điện tăng 4 lần lên 102,5%; mức thuế đối với tấm pin mặt trời tăng gấp đôi lên 50%; mức thuế pin lithium-ion tăng gấp đôi lên 25%; thuế đối với thép và nhôm tăng 3 lần lên 25%.

Lập luận của Mỹ

Ông Biden lập luận rằng sở dĩ Mỹ tăng thuế đối với loạt hàng hóa Trung Quốc do nước này thao túng thương mại thông qua trợ cấp sản xuất, khiến dư thừa công suất và hàng hóa, sau đó tìm cách thúc đẩy bán hàng thừa sang Mỹ và các nước khác. Nếu điều này không bị ngăn chặn, sẽ gây thiệt hại và phá sản các nhà sản xuất của Mỹ và thế giới.

Trung Quốc bị cho là trợ cấp nhiều khâu trong chuỗi cung ứng những mặt hàng mà họ xác định mang tính chiến lược. Chẳng hạn, không chỉ có các khâu trực tiếp trong quá trình sản xuất ô tô điện, mà còn sản xuất pin cho xe điện (thành phần chiếm 40% giá thành xe), và các khâu trước cả sản xuất pin như khai thác và chế biến đất hiếm.

Các hình thức trợ cấp bao gồm: cho vay vốn giá rẻ, thuê đất giá rẻ, lao động giá rẻ (kể cả cho phép sử dụng lao động cưỡng bức), mức thuế thấp và/hoặc được trì hoãn trả thuế hoặc được hoàn thuế; ép công ty nước ngoài chuyển giao bí quyết công nghệ…

Ví dụ điển hình là ngành sản xuất ô tô điện (EV). Từ 2009 đến 2022, khoản trợ cấp của Trung Quốc cho ngành EV lên tới 29 tỷ USD. Quan trọng không kém là những khoản trợ cấp và biện pháp khuyến khích người mua xe EV do Trung Quốc sản xuất.

Đó là lý do giải thích tạo sao Trung Quốc có nhiều công ty sản xuất EV như vậy. Lúc cao điểm, quốc gia này có tới hơn 200 công ty sản xuất EV.

Đặc biệt, do được hưởng nhiều trợ cấp, nhiều công ty công nghệ, bất động sản… cũng quay sang sản xuất ô tô điện và các mặt hàng “chiến lược”. Kết quả, sản lượng dư thừa lớn.

Ngăn bán hàng giá rẻ

Trong bối cảnh kinh tế trong nước chậm lại, thất nghiệp tăng cao, dân số già và giảm qui mô, thị trường trong nước thu hẹp nhanh chóng, thì Trung Quốc lại tìm cách hỗ trợ xuất khẩu những hàng hóa giá rẻ này ra bên ngoài.

Mỹ, EU, Brazil,… đang phải hứng chịu làn sóng bán tháo này từ Trung Quốc. Điều này có thể khiến nhiều nhà sản xuất ở Mỹ và trên thế giới phải phá sản. Tồi tệ hơn, sau khi độc chiếm thị trường sẽ là lúc Trung Quốc tăng giá kiếm lời.

>> Mỹ tăng thuế với Trung Quốc: "Bóng ma" lạm phát sẽ quay lại?

Trong quá khứ, thế giới đã phải hứng chịu thảm họa kiểu này từ sản phẩm thép của Trung Quốc. Trong vòng 15 năm kể từ năm 2000, công suất sản xuất thép của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt, vượt xa tốc độ tăng nhu cầu về sắt thép trong nước và cả thế giới. Đó là lý do Trung Quốc bị cho là đã tạo ra tới 400 triệu tấn thép dư thừa trên toàn thế giới vào thời điểm năm 2014. Điều này đã gây nhiều tác hại đến thị trường thép toàn cầu.

Lý do đơn giản là vì Trung Quốc xác định rằng đây là ngành có tầm quan trọng phổ quát nên đã dành cho các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng thép nhiều ưu đãi và trợ cấp nhằm mở rộng và phát triển lĩnh vực này để chiếm ưu thế trên thế giới.
Sau nhiều lời hứa cắt giảm do sức ép từ Mỹ và phương Tây nhằm cân bằng thị trường thép toàn cầu, Trung Quốc vẫn không cho thấy họ thực lòng trong vấn đề này.

Các nhà máy thép ở châu Âu, Mỹ Latin, và cả ở Bắc Mỹ phải đóng cửa. Sau đó, các công ty Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của Nhà nước dần mua lại các nhà máy đó và tiếp tục sản xuất thép, rồi bán vào Mỹ và EU. Đó là cách Trung Quốc phát triển cái gọi là “ngành mũi nhọn” đã gây thiệt hại rất lớn cho các đối tác lớn và nền kinh tế toàn cầu.

Đó là lý do giải thích tại sao làn sóng chống sản xuất và thương mại Trung Quốc ở Mỹ và thế giới ngày càng gia tăng. Người ta không thể chịu nồi cách làm ăn không công bằng này. Và đó cũng là lý do quan trọng nhất dẫn đến sự trúng cử Tổng thống Mỹ của ông Trump vào năm 2016, người đã khởi đầu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ 2017.

Giờ đây, ngành ô tô điện, pin xe điện và tấm pin mặt trời, điện gió đã được xác định là “ngành mũi nhọn” giúp Trung Quốc thoát khỏi sự trì trệ kinh tế lớn hiện nay. Nhưng Mỹ và EU đều cho rằng họ sẽ quyết không để tình trạng dư thừa và kiểu làm ăn từ Trung Quốc gây hại cho họ một lần nữa.

Đó là lý do giải thích tại sao chính quyền Biden đã đưa ra chính sách thuế mạnh tay nhằm ngăn Trung Quốc bán hàng thừa giá rẻ vào Mỹ. Điều nay đặc biệt quan trọng đối với ông Biden khi Mỹ chuẩn bị bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024 khi các ứng cử viên Tổng thống đều muốn lấy lòng cử tri (80% dân Mỹ cho biết Trung Quốc là mối đe dọa cần phải ngăn chặn).

Kỳ II: Tác động đến Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    04:00, 20/05/2024

  • Mỹ đánh thuế 4,4 tỷ USD với tủ nhập khẩu từ Trung Quốc

    Mỹ đánh thuế 4,4 tỷ USD với tủ nhập khẩu từ Trung Quốc

    14:03, 09/08/2019

  • Mỹ đánh thuế thép Việt Nam tới 250%

    Mỹ đánh thuế thép Việt Nam tới 250%

    17:31, 25/05/2018

  • Mỹ đánh thuế nặng các sản phẩm thép Trung Quốc “xuất khẩu” từ Việt Nam

    Mỹ đánh thuế nặng các sản phẩm thép Trung Quốc “xuất khẩu” từ Việt Nam

    11:00, 22/05/2018

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập ]