Vụ cháy rạng sáng 24/5 tại Hà Nội: Hệ lụy từ nhà vừa ở, vừa kinh doanh

NGUYỄN VIỆT 24/05/2024 17:27

Vụ cháy rạng sáng 24/5 tại Hà Nội là hệ quả của hai yếu tố “làng lên phố” và "quy hoạch nhà vừa ở vừa kinh doanh”.

>>Phải mạnh tay với nhà trọ “không lối thoát”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh về vụ cháy xảy ra rạng sáng 24/5 tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kiểm tra hiện trường vụ cháy tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kiểm tra hiện trường vụ cháy tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Thông tin trước khi bắt đầu phiên thảo luận ở tổ về “dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)” chiều 24/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sáng nay đã tới hiện trường vụ cháy khiến nhiều người thương vong tại phố Trung Kính.

Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy có 2 vấn đề rút ra. Thứ nhất, là câu chuyện “làng lên phố.” Thứ hai, là sự bất cập của quy hoạch về nhà ở lẫn kinh doanh.

“Khi làng lên phố, người dân đã cơi nới nhà ở khiến đường trở nên chật hẹp. Thực tế con hẻm từ ngoài vào sâu bên trong khu vực có ngôi nhà bị cháy dài 300m nhưng có tới 5 góc cua. Càng vào sâu trong hẻm càng thu hẹp thêm. Con hẻm này nhỏ tới mức chỉ 1 chiếc xe máy đi qua được,” Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Tại vị trí xảy ra vụ cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết ngôi nhà này có 3 tầng để cho thuê phòng trọ, phía trước chủ nhà cơi nới kinh doanh xe đạp, xe điện đồng thời cũng là xưởng, cửa hàng sửa chữa xe máy của người chủ căn nhà này.

“Theo phản ánh ban đầu thì vụ cháy phát nổ, cháy khả năng là do chập điện, nổ bình ắc quy. Vụ nổ tạo ra áp lực rất lớn, khiến mái nhà bị hất tung,” Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, khi vụ cháy xảy ra cửa của ngôi nhà đã được đóng kín, không có lối thoát, tuy nhiên khả năng chết cháy nhiều hơn chết ngạt.

Trước bài học từ vụ việc thương tâm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tới đây quy định pháp luật cần chặt chẽ hơn, sát và phú hợp hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý việc di dời những khu vực dân cư như nơi xảy ra vụ cháy là rất khó khăn. Vì thế tới đây, khi phát triển các khu đô thị mới cần quy hoạch bài bản hơn và đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

>>Phải mạnh tay với nhà trọ “không lối thoát”

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kiểm tra hiện trường vụ cháy tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tại hiện trường vụ cháy tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, đặc biệt là TP. HCM, tỉnh Bình Dương hay tỉnh Đồng Nai… cũng có nhiều khu vực rất đông dâncư, công nhân lao động.

Do đó, tôi kiến nghị thời gian tới cần thắt chặt công tác quản lý nhà ở, kiểm soát chặt các hoạt động nhà ở cho thuê kinh doanh”, đại biểu Đặng Ngọc Huy bày tỏ.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng đây là một vấn đề mà thời gian qua Hà Nội vẫn chưa khắc phục. Nhiều năm nay liên tục xảy ra nhiều vụ cháy ở Thủ đô liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, chung cư mini..., đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng một trong những nguyên nhân là do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn. Trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC, đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

"Trong công tác kiểm tra, đánh giá đối với trường hợp này ra sao? Nếu thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết được để có cảnh báo, còn nếu không thì làm sao cảnh báo được?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu câu hỏi đề nghị và nếu đánh giá là không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động.

“Có sự cương quyết như vậy thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác PCCC", đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ.

Nêu thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn... đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm và phải có nghiên cứu kỹ lưỡng để khắc phục.

Có thể bạn quan tâm

  • Phải mạnh tay với nhà trọ “không lối thoát”

    11:42, 24/05/2024

NGUYỄN VIỆT