NHNN: Không thay đổi điều hành tỷ giá, cần thận trọng với tin đồn
Theo NHNN, thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác, không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.
>>> Tiền Đồng giảm giá trong xu thế chung và ở mức trung bình
Cụ thể, ông ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.
Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ (CSTT), cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.
"Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.
Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống TCTD, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.
>>>Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).
"Tuy nhiên, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây. Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND. Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới", ông Quang nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều định chế, tổ chức tài chính quốc tế đã đưa các nhận định khá lạc quan về khả năng tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2024, đặt trong triển vọng Fed sẽ xem xét có ít nhất 1-2 đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm khi các dữ liệu lạm phát đã thực sự bớt "cứng đầu". Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam, mới đây cũng đã có chia sẻ cùng báo chí về kỳ vọng đồng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. UOB dự báo tỷ giá VND/USD sẽ ở mức 25.600 trong quý II năm 2024 (cao hơn giá niêm yết của các NHTM chiều bán ra trên thị trường hiện tại), và hạ dần vào quý III về 25.100 trong quý III năm 2024; quý IV sẽ ở 24.800đ/USD.
Trong bối cảnh thách thức, khó khăn nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT, theo Lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường, thời gian qua NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT theo sát diễn biến thị trường.
Thứ nhất, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các TCTD tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên, NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Thứ hai, từ ngày 19/4/2024, NHNN bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được NHNN thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.
Chuyên gia của Maybank Group, ông Brian Lee Shun Rong và Kinh tế gia trưởng Chua Hak Bin cũng đặt kịch bản cơ sở là NHNN có thể có khả năng chịu giảm giá tiền Đồng cao hơn so với cuối năm 2022 (lần tăng lãi suất gần đây nhất), vì NHNN nhận thấy rằng nền kinh tế cần được hỗ trợ, với động lực giữ lãi suất chính sách ở mức phù hợp và sử dụng các công cụ khác như nghiệp vụ thị trường mở và bán dự trữ ngoại hối để kiềm chế sự mất giá của tiền Đồng. Việc tăng lãi suất chính sách sẽ chỉ được coi là biện pháp cuối cùng nếu tiền Đồng mất giá mạnh và sau khi một phần đáng kể dự trữ của NHNN đã cạn kiệt.
"Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 380 triệu USD kể từ ngày 19 tháng 4 theo kiểm tra kênh của chúng tôi, trong số 100 tỷ USD của mình. Để so sánh, ngân hàng trung ương đã bán ra hơn 20 tỷ USD dự trữ vào cuối năm 2022", các chuyên gia nhận định.
Cập nhật theo nhiều nguồn tin đến 23/5, NHNN đã bán khoảng 2,5 tỷ USD để giảm bớt áp lực cầu ngoại tệ. Và với con số mới này thì giá trị bán ra so với cũng chính quyết định của người bán ngoại tệ cuối cùng trên thị trường vào năm 2022, thì vẫn còn khoảng cách xa.
Khẳng định với báo chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh: "Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới. Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn".
"Mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay như đề cập ở trên, áp lực đối với tỷ giá sẽ giảm bớt. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", Vụ trưởng cho biết.
Tỷ giá trung tâm theo công bố của NHNN áp dụng ngày 24/5/2024 ở mức 24.250, tăng 4 đồng so với hôm qua. Tỷ giá mua-bán được Vietcombank niêm yết mua vào - chuyển khoản - bán ra lần lượt 25.247; 25.277 và 25.447.
Trên thị trường, hầu hết các NH đều niêm yết tỷ giá ở vùng cao cận biên độ, tuy nhiên không còn biến động mạnh phản ứng với thị trường khi chỉ số đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đột ngột leo dốc. Cùng tỷ giá VND/USD ghi nhận một tuần quanh quẩn tại vùng giá cao nhưng không căng thẳng, với các biện pháp can thiệp về quản lý thị trường vàng cộng quyết định thanh tra 2 ngân hàng, 4 công ty vàng được công bố, giá vàng ngày cuối tuần cũng chứng kiến động thái đồng loạt điều chỉnh giảm các nhà kinh doanh vàng.
Có thể bạn quan tâm