Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Tỉnh Hà Nam xác định chuyển đổi số là tất yếu, là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, là một trong các giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
>>> Hà Nam nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể
Chuyển đổi số góp phần tăng trưởng kinh tế
Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh cho biết, với quyết tâm cao trong lãnh đạo chỉ đạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS đồng bộ trên toàn tỉnh, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình SXKD của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân.
Năm 2022, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về CĐS tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững”, năm 2024, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh CĐS theo hướng hiện đại, thiết thực, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc CĐS, hoàn thành các chỉ tiêu về CĐS của tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện, ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh năm 2024; Kế hoạch triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024; các cơ quan, đơn vị cập nhật, bổ sung vào Kế hoạch CĐS của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo quy định.
Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ CĐS cộng đồng; tập trung phát triển kinh tế số; quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, phân tích và xử lý dữ liệu số cho CBCC các cấp…; Đối với các ngành, lĩnh vực khác cần chủ động rà soát, hoàn thiện, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu theo đúng lộ trình của Chính phủ, gắn với triển khai Đề án 06. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; huy động nguồn lực, hợp tác công tư tranh thủ nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, xóa vùng lõm sóng di động; triển khai dịch vụ mạng di động 5G…
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông mạnh mẽ về CĐS; phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân triển khai hiệu quả công tác CĐS theo phương châm "Toàn dân, toàn diện”. CĐS là một quá trình, việc nào dễ làm trước, việc khó làm sau, vì vậy tỉnh Hà Nam tập trung đẩy mạnh triển khai 36 nhiệm vụ thuộc 12 nhóm theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại Công văn số 6074/BTTTT-CĐSQG ngày 6/12/2023; quan tâm triển khai có hiệu quả 44 mô hình điểm thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định: Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, Hà Nam luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
Dấu ấn chuyển đổi số tỉnh Hà Nam
Theo ông, Nguyễn Đức Cường Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng của toàn dân và các doanh nghiệp công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực và đã thực sự làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội.
Nhận thức của lãnh đạo, CBCC, người dân về CĐS đã được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng số, các nền tảng số đang dần được phát triển, triển khai ứng dụng; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, 100% các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có mạng cục bộ và kết nối Internet; Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC từ cấp huyện trở lên đạt 100%, cấp xã 85%. Đã triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã) để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin. 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, Internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G...; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai, hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Trong tổng số hơn 1.700 bộ TTHC cung cấp trên hệ thống, có 1.149 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 482 DVC trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 78,9%; tăng 12,2% so với năm 2022. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,9%; tăng 35% so với năm 2022. Hà Nam luôn nằm trong top những cơ quan có chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC đạt cao theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được tăng cường. Các đô thị thông minh đang dần hình thành và từng bước hoàn thiện. Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC), được coi là những “bộ não số” của tỉnh.
>>> Chuyển đổi số là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp
>>> Chủ động tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển
Thực hiện nhiệm vụ CĐS năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở TT&TT được phân công tham mưu dự án mua sắm thiết bị, phần mềm phục vụ CĐS trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2024-2026, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời chủ trì triển khai các Hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh theo hình thức thuê các dịch vụ: Kho dữ liệu dùng chung và Cổng dữ liệu mở; App Công dân số; hệ thống thông tin nguồn để cung cấp thông tin và giám sát hoạt động của đài truyền thanh cấp xã; xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử 3.0, hướng tới chính quyền số tỉnh Hà Nam theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 hướng tới Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh, tạo cơ sở để phát triển đô thị thông minh một cách đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ban, ngành chủ trì triển khai các Hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung đến cấp huyện, cấp xã theo hình thức thuê dịch vụ. UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối kinh phí của địa phương đầu tư thiết bị cần thiết như: thiết bị truyền thanh thông minh cho các xã còn lại trên địa bàn; bảng tin điện tử công cộng phục vụ công tác tuyên truyền; số hóa, cập nhật dữ liệu vào các Hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành của tỉnh; nâng cao hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số; nhất là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến…Với mục tiêu công dân, doanh nghiệp là trung tâm để CĐS và phát triển dịch vụ thông minh, ứng dụng nền tảng công dân số, xã hội số.
Doanh nghiệp và chính quyền cùng chuyển đổi số
Để có kết quả nổi bật nêu trên, Hà Nam đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực; từng bước ứng dụng công nghệ số, … trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân.
Tỉnh Hà Nam luôn xác định CĐS nói chung, CĐS trong doanh nghiệp nói riêng là một phương thức phát triển mới, giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình CNH-HĐH. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 15% DNNVV được trải nghiệm các nền tảng số; 15% DNNVV ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% DNNVV có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, với mục tiêu đưa Hà Nam nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về CĐS vào năm 2025.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Giám đốc VNPT Hà Nam cho biết, thời gian qua, VNPT Hà Nam luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực hiện CĐS bao gồm: Các giải pháp cho DNNVV (dịch vụ chữ ký số, hóa đơn điện tử, máy chủ ảo Cloud,…); số hóa thương mại cho các doanh nghiệp (giải pháp thanh toán điện tử VNPT PAY, hóa đơn điện tử VNPT Invoice, quản lý hộ kinh doanh cá thể, giải pháp đào tạo nội bộ Doanh nghiệp VNPT Elearning…).. VNPT Hà Nam phối hợp với Ban QL các KCN xây dựng triển khai 100% hạ tầng viễn thông CNTT cho các doanh nghiệp trong KCN, ông Đức cho biết.
Theo Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Nam Nguyễn Trọng Tài, UBND tỉnh Hà Nam giao thực hiện Đề án thí điểm giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ BCCI đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thay 6 sở tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh, đề án này đã mang hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tải công việc cho cơ quan quản lý nhà nước, từ đó tập trung nhân lực thực hiện chuyên môn; cải thiện và thay đổi cách thức, đổi mới phương thức phục vụ trong việc tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BCCI nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.
Tin tưởng rằng, với những định hướng đúng đắn cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, tỉnh Hà Nam sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Có thể bạn quan tâm