Chứng chỉ carbon: Thách thức lớn với doanh nghiệp ngành gỗ
Mặc dù 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.
>>>Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon
Ông Đặng Quốc Hùng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh:
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất Việt Nam đã sụt giảm lần đầu sau 15 năm tăng trưởng, chỉ đạt 14,39 tỷ USD vào năm 2023, giảm 15,9% so với năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ vị trí đặc biệt với kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt 4,29 tỷ USD vào 4 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng khẳng định năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đối với thế giới.
Mặc dù trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD, bình quân 1 tháng đạt hơn 1 tỷ USD, nhưng nếu như trong các tháng tiếp theo, xuất khẩu không tăng trưởng thêm thì doanh số toàn ngành trong năm nay cũng khó vượt được doanh số của năm 2023, với hơn 14 tỷ USD. Do đó, tăng trưởng của cả năm 2024 có cao hay không còn lệ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chia sẻ được rủi ro, phát triển thêm nhiều thị trường mới thì khả năng vẫn có thể giữ được mức độ tăng trưởng. Hiện tại, ngành gỗ của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ những khó khăn của các thị trường truyền thống như Mỹ và châu Âu, nhưng nếu chúng ta có những thị trường mới bổ sung, qua đó có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành.
Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, trong đó, chứng chỉ carbon là một trong những thách thức lớn của các doanh nghiệp. Hiện tại châu Âu, Mỹ và nhiều thị trường nhập khẩu khác đều đưa ra những tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đang rất cần những hỗ trợ từ Chính phủ để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được chứng chỉ carbon, cũng như các công nghệ để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ cũng như các thị trường nhập khẩu quốc tế.
Ngoài ra, vấn đề về lãi suất cũng đang là một khó khăn đối với các doanh nghiệp. Nếu như trước đây, lãi suất huy động từ 6-7%/năm thì lãi suất cho vay khoảng từ 8-10%/năm, nhưng hiện nay, lãi suất huy động đã giảm rất nhiều, xuống chỉ còn khoảng 4%/năm, nhưng lãi suất cho vay lại đang rất cao, khoảng 8%/năm là không hợp lý. Do đó, các ngân hàng trong nước cũng cần tính toán lại lãi suất cho vay, đặc biệt là hiện nay, một số ngân hàng quốc tế đang có chính sách lãi suất tốt hơn, nếu không điều chỉnh, chúng ta sẽ mất nhiều khách hàng vào tay các ngân hàng nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
HPLA: Liên kết phát triển nguồn tín chỉ carbon từ rừng
16:54, 23/05/2024
Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon
12:46, 05/05/2024
Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon
03:10, 29/04/2024
ĐIỂM BÁO NGÀY 17/4: Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon
04:07, 17/04/2024
Tín chỉ carbon từ 1 triệu hecta lúa
03:30, 07/04/2024