Cần đứng từ góc độ doanh nghiệp để hiểu hơn họ muốn gì

NGUYỄN VIỆT 25/05/2024 12:24

Nếu có thể làm lại, chúng ta cần có trọng tâm trọng điểm, đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì.

>>Chất vấn lĩnh vực ngân hàng: Triển khai Nghị quyết 43 chậm sẽ làm giảm ý nghĩa chương trình

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, ngày 25/5.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai khẳng định, với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng của mỗi người dân và doanh nghiệp, đã đạt được kết quả không thể phủ nhận và đáng trân trọng.

Bài học rút ra từ Nghị quyết 43

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu một số bài học kinh nghiệm cần rút ra cho chặng đường tiếp theo và cũng là để trả lời cho câu hỏi nếu như trong tương lai, nếu như một lần nữa dịch bệnh xảy ra liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như đã áp dụng hay không? 

Bài học thứ nhất, về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện, đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách, phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay.

“Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đến nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Bài học thứ hai, về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, như chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích…

>>Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15: Vẫn dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”

>>Giải pháp nào để Đà Nẵng “hiện thực hóa” Nghị quyết 43?

“Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm trọng điểm, chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng nêu quan điểm về đề xuất của Chính phủ tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân đối với một số dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đến hết năm 2025. Trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng.

Còn đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đánh giá việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cũng như nghiên cứu báo cáo và phụ lục kèm theo cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43 còn có những bất cập, tồn tại hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là việc xây ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.

Đơn cử, chính sách tiền thuê nhà cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, Quyết định số 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2022 quy định được triển khai thực hiện chính sách đến hết ngày 15/8/2022. Chỉ có 4,5 tháng để triển khai thực hiện là rất gấp gáp và nhiều khó khăn.

“Trong khi đó, có địa phương, đối tượng thụ hưởng chính sách này lên tới hàng trăm nghìn người, cần có thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, giải quyết. Dó đó, còn nhiều người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng nhưng hết thời gian thực hiện chính sách nên không được hưởng”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nói.

Bên cạnh đó, có địa phương ban hành thêm điều kiện được hưởng, thêm danh mục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người lao động và tạo tâm lý cho họ không muốn làm thủ tục đề nghị hưởng chính sách.

Tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, quá trình thực hiện Nghị quyết 43 cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng. Ví dụ, việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại cứng nhắc phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng là cần tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.

“Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).

Quan tâm tới chính sách tài khoá, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) khái quát một số mục tiêu chính của Nghị quyết số 43, trong giai đoạn 2021-2025, GDP phải tăng 6,5-7%; nợ công dưới 60% GDP, mức cảnh báo là 55% GDP; tiết giảm chi phí hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân...

“Trong Báo cáo giám sát đã phân tích rất rõ về những mặt tích cực cũng đã chỉ rõ một số hạn chế như tiến độ giải ngân chậm. Nhưng phải phân tích rõ hơn nội dung này, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên. Nếu chỉ rõ được từng lý do gây ra tiến độ giải ngân chậm thì sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể hơn”, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chất vấn lĩnh vực ngân hàng: Triển khai Nghị quyết 43 chậm sẽ làm giảm ý nghĩa chương trình

    12:00, 08/06/2022

  • Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15: Vẫn dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”

    09:29, 02/06/2022

  • Giải pháp nào để Đà Nẵng “hiện thực hóa” Nghị quyết 43?

    21:00, 31/01/2019

NGUYỄN VIỆT