“Rầm rộ” kế hoạch IPO, niêm yết

LÊ MỸ 26/05/2024 02:18

Nhiều doanh nghiệp đã và đang khởi động kế hoạch IPO, niêm yết trong thời gian tới.

>>>Ngân hàng tăng tốc phát hành trái phiếu để tăng huy động vốn

Trên thực tế, một kế hoạch IPO không thể chỉ đơn thuần thông qua tư vấn định giá và chào bán là có ngay kết quả.

Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

Điển hình phải kể đến trong loạt này là Tập đoàn Masan (MSN) với kế hoạch mang Masan Consumer (MCH) đi IPO, trong rất nhiều các lựa chọn khác bao gồm cả huy động vốn. MCH thường xuyên đóng góp khoảng 50% trong cơ cấu doanh thu của MSN. MCH là một trong những trụ cột hệ sinh thái hệ sinh thái độc đáo Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ, và cũng là mũi nhọn trong chiến lược “Go Global” với tham vọng đạt 15-20% doanh thu từ thị trường 8 tỷ người dùng toàn cầu.

Bên cạnh MCH, còn có The CrownX, cũng trong kế hoạch bán vốn của MSN tới đây. Vào năm 2021, The CrownX từng được nhóm đầu tư quốc tế TPG, ADIA và SeaTown định giá 8,2 tỷ USD sau khi huy động tổng cộng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị của công ty này sẽ không dừng lại ở mức đó khi trong hơn 3 năm qua, MSN đã thực hiện thêm hàng loạt thương vụ đầu tư, M&A ngang - dọc để tích hợp và nâng tầm giá trị The CrownX.

Nhiều doanh nghiệp khác - nổi trội vẫn là nhóm bán lẻ, cũng có kế hoạch tương tự. Thương vụ chào bán khoảng 10% cổ phần trong kế hoạch huy động vốn cho chuỗi dược phẩm Long Châu để mở rộng sang hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe FPT Retail (HoSE: FRT) đã giúp cho cổ phiếu FRT lẫn FPT thăng hạng đáng kể. MBS khuyến nghị giá mục tiêu của FRT 176.700đ/cp, từ giá thị trường 165.000đ/cp.

Trong khi đó, Bamboo Capital (BCG) hiện cũng đã “rậm rạp” lên kế hoạch IPO Bảo hiểm AAA, cùng với mảng năng lượng của BCG Energy. BCG hiện đang ở vùng giá thấp dưới mệnh giá nhưng giá trị sổ sách lên tới 27.000 đồng/cp, theo ông Nguyễn Hồ Nam - thành viên sáng lập.

>>>Masan thiết lập hệ sinh thái O2 để tạo dòng tiền mạnh

Với cổ phiếu HSG, bên cạnh giá trị chiến lược quản trị hàng tồn kho, nhà đầu tư cũng chờ đợi kết quả tiến trình tư vấn IPO Công ty Nhựa Hoa Sen, đồng thời bổ sung thêm kế hoạch cấu trúc lại để IPO Công ty Ống thép Hoa Sen. Theo đó, cổ phiếu HSG đã lấy lại mốc giá tháng 2 và đang được đặt mục tiêu ngắn hạn 25.000đ/cp.

Trong khi năm 2024 mới chỉ là năm chứng kiến những kế hoạch tiến tới IPO được công bố rầm rộ, hứa hẹn nhiều mặt hàng hấp dẫn cho thị trường ở tương lai, thì giá trị cộng hưởng thông tin đã hỗ trợ cho các nhà đầu tư “đòn bẩy” tích cực trong mùa thiếu vắng thông tin mới. Nhưng giá trị lớn nhất của các kế hoạch IPO này, thực chất vẫn mang nguồn huy động vốn cho doanh nghiệp và sức hút với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

 Diễn biến các chỉ số chứng khoán.

Diễn biến các chỉ số chứng khoán.

Nên IPO, niêm yết thay vì chỉ bán vốn?

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho rằng, ngay trong thời điểm hiện nay, giả định các doanh nghiệp triển khai IPO được trong 3-6 tháng tới, thì sự “dục tốc” có khi sẽ là “bất đạt”.

Theo ông Hoàn, nguyên do là bởi với các kế hoạch IPO, đặc biệt ở những doanh nghiệp có định giá lớn, thì nguồn vốn kỳ vọng sẽ huy động được tập trung vào khối ngoại. Song song nguồn vốn, các đối tác ngoại cũng sẽ mang đến nhiều giá trị đóng góp về chiến lược, thị trường, quản trị cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, vốn ngoại trong giao dịch tài sản tài chính (FII) nhìn chung vẫn đang có sự thận trọng nhất định, một phần do xu hướng đầu tư chung của toàn cầu, một phần do biến động tỷ giá VND/USD với tác động lãi suất của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế còn neo cao. Do đó, các đợt road show IPO thường sẽ cần chuẩn bị trước, kỹ lưỡng mới có thể huy động được nguồn vốn lớn vào đúng thời điểm chào bán.

Vì vậy, sự chuẩn bị ngay từ năm 2024 chính là “thiên thời, địa lợi” khi các doanh nghiệp có nền tảng, đủ thời gian làm việc với các bên và sẵn sàng đón “điểm rơi” khi vốn đầu tư toàn cầu tăng tốc đi cùng sự tăng trưởng mạnh hơn của các nền kinh tế lớn, lạm phát hạ nhiệt và tiền tệ nới lỏng.

Theo ông Johan Nyvene, Chủ tịch HSC, nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) có thể giúp quy mô kỳ vọng của TTCK Việt Nam sẵn sàng chào đón 25 tỷ USD vốn ngoại vào thị trường trong năm 2025. Đây là bệ phóng “đảm bảo” cho các kế IPO và niêm yết cũng như sự phát triển ổn định, lớn mạnh của TTCK.

Hiện các hoạt động sẵn sàng để cải thiện các tiêu chí đáp ứng nâng hạng, theo UBCKNN, vẫn đang tiếp tục với quyết tâm lớn. Sự đổ bộ của các hàng hóa lớn, cũng là điều kiện quan trọng của một TTCK mới nổi, có số lượng hàng hóa đa dạng và quy mô đủ lớn.

Về phía doanh nghiệp, chuyên gia lưu ý có thể lựa chọn bán vốn để định giá lớn hơn, nhưng nếu IPO và niêm yết sẽ vừa giúp tăng huy động cung cấp thanh khoản cho những cổ đông sáng lập, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các giao dịch M&A, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động công bố thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Reddit hướng tới đợt IPO vào tháng 3/2024

    Reddit hướng tới đợt IPO vào tháng 3/2024

    14:00, 31/01/2024

  • Kỳ lân VNG chính thức rút hồ sơ IPO tại sàn chứng khoán Mỹ

    Kỳ lân VNG chính thức rút hồ sơ IPO tại sàn chứng khoán Mỹ

    01:32, 27/01/2024

  • Công ty khởi nghiệp xe điện vươn mình ra thị trường thế giới trước thềm IPO

    Công ty khởi nghiệp xe điện vươn mình ra thị trường thế giới trước thềm IPO

    01:02, 08/01/2024

  • Thị trường IPO

    Thị trường IPO "trầm lắng"

    03:00, 20/11/2023

  • VNG công bố nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 

    VNG công bố nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 

    06:02, 24/08/2023

  • Giải pháp nào thúc đẩy doanh nghiệp lớn IPO, niêm yết mới?

    Giải pháp nào thúc đẩy doanh nghiệp lớn IPO, niêm yết mới?

    04:30, 20/07/2023

  • Highlands Coffee trở lại với tham vọng IPO?

    Highlands Coffee trở lại với tham vọng IPO?

    11:00, 09/12/2022

LÊ MỸ