Hướng đi mới của GS25 tại Việt Nam
Với việc mở các cửa hàng tiện lợi hướng đến sự trải nghiệm khác biệt dành cho Gen Z, chuỗi GS25 của nhà bán lẻ Hàn Quốc, GS retail tìm kiếm cho mình một hướng đi mới tại Việt Nam.
>>>IFC “đặt cược” vào tham vọng của GS25
Cửa hàng dành cho GenZ
Mới đây, GS25 đã mở cửa hàng thứ 300 tại 489-491 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, mang tên Noodle Corner và ý tưởng hướng đến sự trải nghiệm khác biệt dành cho Gen Z.
Theo đại diện của GS25, việc khai trương cửa hàng thứ 300 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của thương hiệu ở Việt Nam, thể hiện sự đổi mới liên tục của chuỗi này nhằm tạo ra trải nghiệm mới mẻ cho từng phân khúc khách hàng, từng bước hướng đến một thương hiệu về lối sống hiện đại và sáng tạo.
Kể từ cuối năm 2017, “ông lớn” bán lẻ của Hàn Quốc GS Retail (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25) đã có sự thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim để mở các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Đây được coi là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm hơn 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. Liên doanh Việt - Hàn này chính thức mở cửa hàng GS25 đầu tiên tại TP. HCM vào đầu năm 2018 và cũng là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này bên ngoài Hàn Quốc.
Từ năm 2022 đến nay, chuỗi GS25 liên tục tạo ra các mô hình cửa hàng tiện lợi kết hợp với các thương hiệu lớn mang đến trải nghiệm đa dạng cho khách hàng. Có thể kể đến như các cửa hàng Bia Tươi hợp tác với Heineken và Tiger Soju, cửa hàng Mì Hàn Quốc hợp tác với thương hiệu Nongshim...
Tuy nhiên, thời điểm này họ lại tiếp tục cho thấy sự đổi mới về hình ảnh khi cho ra mắt một mô hình hoàn toàn mới đó là Noodle Corner, hướng tới phục vụ tệp khách hàng GenZ là các đối tượng học sinh, sinh viên. Theo quan sát, cửa hàng này được nhấn mạnh ở phần thiết kế tươi mới, không gian thư giãn và rộng rãi với gần 100 chỗ ngồi tại khu vực tầng 2.
Ngoài ra, cửa hàng bố trí riêng một phần diện tích để trưng bày đa dạng các sản phẩm mì ăn liền đến từ các thương hiệu lớn của Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia... Tại đây còn trang bị các thiết bị nấu mì hiện đại nhằm mang lại sự trải nghiệm mua sắm và học tập thú vị cho khách hàng.
Theo đại diện của thương hiệu, việc tạo ra nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi khác biệt là chiến lược làm tăng độ nhận diện thương hiệu tới nhiều phân khúc khách hàng, đặc biệt là GenZ. Đây là bước đệm quan trọng để GS25 mở rộng quy mô của chuỗi thông qua hoạt động nhượng quyền thương mại. Tính từ năm 2021, GS25 bắt đầu triển khai hoạt động nhượng quyền thương mại tại thị trường Việt Nam và cho đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 40 cửa hàng GS25 được vận hành bởi các đối tác nhượng quyền.
>>>Cơ hội nào cho GS25?
>>>Điều gì thúc đẩy các nhà bán lẻ Hàn Quốc mở rộng tại Việt Nam?
Tại sao lại là GenZ?
Trên thực tế, nhờ vào sự tiện lợi và giá cả phải chăng, các cửa hàng tiện lợi tại Viêt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn từ Gen Z, thế hệ người tiêu dùng trẻ ra đời từ năm 1997 đến 2007, với lượt truy cập vào kênh này đã tăng trưởng ổn định trong suốt những năm qua.
Theo một khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab, những khách hàng trẻ tuổi này đang chiếm đến gần 60% lượng khách hàng của các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam khi có đến gần 40 triệu Gen Z đổ xô đến các cửa hàng trong một số quý gần đây.
Các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại không chỉ bán đồ ăn nhẹ đóng gói và đồ uống đóng sẵn mà còn bán cả đồ ăn nóng, giá cả phải chăng trong các khu vực ăn uống có máy lạnh, có WiFi miễn phí và chỗ ngồi rộng rãi và thoải mái. Bên cạnh đó, các thương hiệu cửa hàng tiện lợi như GS25, Family Mart, Circle K, 7-Eleven cũng tích cực bổ sung nhiều lựa chọn thực phẩm từ bánh mì nướng bằng lò vi sóng đến cơm nấu chín, lẩu và các món ăn nhẹ địa phương khác vào thực đơn của mình để phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Trước đây, các nhà hàng phục vụ nhanh thường thu hút người tiêu dùng vì sự tiện lợi, giá cả phải chăng và cơ sở vật chất hiện đại. Nhưng giờ đây, các cửa hàng tiện lợi có thể làm bất cứ điều gì mà các cửa hàng tầm trung này có thể làm và đôi khi còn làm tốt hơn thế.
Trong vòng vài năm gần đây, số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam không ngừng tăng lên và quỹ đạo này có thể sẽ tiếp tục được duy trì nhờ tham vọng lớn từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo các nhà phân tích, chẳng bao lâu nữa, cửa hàng tiện lợi sẽ là kênh sẵn có và dễ tiếp cận nhất dành cho người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, mọi mức thu nhập và vào tất cả các giờ trong ngày.
Trong đó, GenZ vẫn sẽ là nhóm khách hàng mà các thương hiệu cửa hàng tiện lợi nhắm đến trong tệp khách hàng thân thiết của mình. Theo một số nghiên cứu, GenZ ở thời điểm hiện tại đang là “fan cuồng” của các cửa hàng tiện lợi. Họ bị ảnh hưởng nhiều bởi quảng cáo và mạng xã hội, đặc biệt khi mua sắm, ăn uống và vui chơi tại đây. Thêm vào đó, các thương hiệu ngày nay cũng luôn có sự tập trung đến nhóm người tiêu dùng dễ tiếp thu nhất, biến những người mua sắm tại cửa hàng Gen Z trở thành đối tượng hấp dẫn để nhắm tới.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính đạt 276,37 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 488,08 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,05%.
Có lẽ GS25 đã nhìn thấy tiềm năng và đối tượng khách hàng lớn của mình tại Việt Nam. Với cửa hàng đầu tiên hướng đến sự trải nghiệm khác biệt dành cho Gen Z. Trong tương lai, “ông lớn” bán lẻ Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh những cửa hàng kiểu này để tăng cường sự nhận diện thương hiệu và tìm kiếm một lối đi mới tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
GS Retail sẽ “chùn bước” ở Việt Nam?
01:52, 07/04/2022
Giao thoa văn hóa Việt - Nhật trên con đường tái định vị của nhà bán lẻ Sakuko
16:00, 14/09/2023
Các nhà bán lẻ Mỹ “vật vã” tìm cách ngăn trộm cắp
00:30, 05/10/2023
Parkson và cái kết buồn của các nhà bán lẻ ngoại
03:55, 04/05/2023
Vì đâu các nhà bán lẻ Nhật Bản "thích" Việt Nam?
02:00, 26/03/2023