Cảnh giác “bẫy” xuất khẩu lao động, tránh “tiền mất, tật mang”!

HỒNG QUANG 25/05/2024 20:38

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động để trục lợi bất chính; thế nhưng, nhiều người lao động ở Nghệ An vẫn “dính bẫy”…

Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Có thể nói, đây là “miếng mồi” rất béo bở của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Bởi vậy, chúng đã tự thành lập các doanh nghiệp “ma”, văn phòng “ma” để đăng tải các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Xuất phát từ nhu cầu cao…

Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước với hơn 3,4 triệu người. Trong đó, tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên hơn 1,6 triệu người, số người đang có việc làm là 1,5 nghìn người. Hàng năm, địa phương được bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Đây được xem là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức đối với các cấp ngành, chính quyền địa phương về giải quyết việc làm cho người lao động.

>>Vì sao lừa đảo mạo danh còn “đất diễn”?

Nắm bắt trước thực trạng trên, xuyên suốt thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lao động, việc làm được các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Nhiều hoạt động kết nối cung – cầu lao động tiếp tục được tăng cường, các phiên giao dịch việc làm thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, học sinh, sinh viên tham gia.  

Mặc dù là địa phương nằm trong top dẫn đầu cả nước về thu hút dự án FDI, nhưng hàng chục nghìn lao động Nghệ An vẫn chọn hướng đi xuất khẩu lao động

Mặc dù là địa phương nằm trong top dẫn đầu cả nước về thu hút dự án FDI, nhưng hàng chục nghìn lao động Nghệ An vẫn chọn hướng đi xuất khẩu lao động

Cụ thể, theo thông tin từ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An đưa ra, chỉ tính riêng năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 45.000 người, đạt 104,65% kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt khoảng 24.000 người, dẫn đầu toàn quốc về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lý giải về nguyên nhân nhu cầu xuất khẩu lao động ở Nghệ An cao, hầu hết các ý kiến đều cho rằng yếu tố quyết định vẫn là mức lương, thu nhập đến từ việc đi làm việc ở ngoài. Cụ thể, mức thu nhập ở thị trường lao động nước ngoài cao hơn gấp nhiều lần so với làm việc tại địa phương, bởi vậy người lao động Nghệ An sẵn sàn chấp nhận phương án ly hương, mặc dù vẫn biết rằng đi kèm với đó là sự vất vả, khó nhọc.

>>Lừa đảo qua mạng lại bùng phát

Về mặt tích cực, có thể thấy rõ việc đi làm việc tại nước ngoài không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho chính bản thân người lao động và gia đình mà còn giúp địa phương giải quyết tốt tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tràn lan như giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này chính là những hệ lụy nảy sinh liên quan đến việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, khiến cho người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

… đến “giăng bẫy” tìm con mồi

Một ví dụ điển hình, đó là vụ việc lừa đảo của một vị nữ giám đốc “dỏm” trên địa bàn đã bị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An “phanh phui” mới đây cũng đã phần nào gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dân địa phương về tình trạng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở ngoài nhưng cố tình đăng tải các thông tin liên quan để mời chào, nhận hồ sơ và tiền rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, theo thông tin mà Công an tỉnh Nghệ An vừa đăng tải, đối tượng Trần Thị Hằng Nga (SN 1984), trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã bị cơ quan chức năng bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

>>Xuất khẩu lao động không chỉ để “xóa đói giảm nghèo”

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định rõ: Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, mặc dù không có chức năng trong việc tổ chức đưa công dân xuất khẩu lao động, nhưng Trần Thị Hằng Nga vẫn giới thiệu mình làm Giám đốc một công ty đưa người đi xuất khẩu lao động và thông tin công ty của Nga có thể làm được thủ tục đi xuất khẩu lao động các nước với mức giá rẻ hơn những nơi khác từ 200 - 300 triệu đồng. Chưa kể, vị nữ giám đốc “dỏm” này còn cam kết các trường hợp nhận hồ sơ để làm thủ tục xuất khẩu lao động đều có tỷ lệ thành công cao.

Đối tượng Trần Thị Hằng Nga (SN 1984), trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị cơ quan chức năng bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài

Đối tượng Trần Thị Hằng Nga (SN 1984), trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị cơ quan chức năng bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài

Với sự hứa hẹn hấp dẫn nêu trên, nhiều môi giới đã tin tưởng và đăng tuyển người có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động để giới thiệu cho Nga. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, đã có hàng trăm công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động các nước như Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Hoa Kỳ… được các môi giới giới thiệu và gửi hồ sơ cho Nga để làm thủ tục.

Tuy nhiên, quá trình nhận làm thủ tục cho các công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động, nữ giám đốc “dỏm” đã đưa ra nhiều thông tin để các công dân đóng tiền theo nhiều đợt với tổng số tiền nhiều tỷ đồng; tuy nhiên, sau khi đóng tiền vẫn không đi được như đã hứa hẹn. Đáng nói, tất cả số tiền nhận từ các công dân đã được Nga dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Tiến hành xác minh, lực lượng Công an cũng xác định văn phòng công ty của Nga tại TP Hà Nội cũng chỉ là văn phòng cho thuê theo giờ, trong văn phòng chỉ có 1 bộ bàn ghế, ngoài ra không có máy tính, máy in, các loại hồ sơ và cũng không có nhân viên nào trong công ty. Bước đầu làm rõ, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, vị nữ giám đốc “dỏm” này đã nhận hồ sơ và tiền của hơn 500 công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động nước ngoài, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 19/5/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Từ vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tìm hiểu kỹ các thông tin có liên quan…

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An tăng cường quản lý khai thác khoáng sản

    Nghệ An tăng cường quản lý khai thác khoáng sản

    15:58, 23/05/2024

  • Nghệ An: Nhiều sai phạm tại dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn

    Nghệ An: Nhiều sai phạm tại dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn

    00:05, 20/05/2024

  • Số phận bấp bênh của mỏ vàng Nghệ An

    Số phận bấp bênh của mỏ vàng Nghệ An

    03:00, 13/05/2024

  • Nghệ An

    Nghệ An "tuyên chiến" với trì trệ đầu tư công

    02:26, 13/05/2024

  • Du lịch Nghệ An tạo nhiều “điểm nhấn” để hút khách thập phương

    Du lịch Nghệ An tạo nhiều “điểm nhấn” để hút khách thập phương

    01:00, 03/05/2024

HỒNG QUANG