LTG xoay tiền trả nợ

HÀ PHƯƠNG 26/05/2024 16:00

Là doanh nghiệp hàng đầu ngành lúa gạo nhưng Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc cân đối tài chính trả nợ nông dân.

 Mảng kinh doanh lúa gạo đóng góp tới 70% doanh thu của LTG.

Mảng kinh doanh lúa gạo đóng góp tới 70% doanh thu của LTG.

>>>Doanh nghiệp ngành gạo chờ đón triển vọng tươi sáng trong năm 2024

Xuất thân là doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trong những năm trở lại đây, Ban lãnh đạo Công ty đã chủ động giảm mạnh mảng này, đồng thời định vị lúa gạo là mảng kinh doanh chính.

Kinh doanh thua lỗ

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, LTG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 65% lên 3.604 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 10% về còn 245 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, LTG báo lỗ sau thuế gần 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 81 tỷ đồng.

Có thể nói, việc chuyển hướng của Tập đoàn gặp điều kiện thuận lợi khi trong giai đoạn 2022-2023 ngành lúa gạo Việt Nam tăng tốc rất mạnh. Năm 2023, LTG công bố doanh thu tăng 37% so với năm 2022. Trong đó, mảng kinh doanh lúa gạo (chủ yếu là xuất khẩu gạo) đóng góp tới 70% doanh thu của Công ty, tăng mạnh từ mức 55% năm 2022 và 40% vào năm 2021.

Mặc dù vậy, lợi nhuận tạo ra từ mảng lúa gạo của LTG lại vô cùng "nhỏ giọt". Năm 2023, trong khi xuất khẩu gạo đẩy doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 11.233 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp thu về vỏn vẹn 253 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp lúa gạo của LTG chỉ đạt 2%.

Theo đại diện LTG, sở dĩ biên lợi nhuận của ngành lúa gạo mỏng là do để thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo, LTG phải ứng trước tiền sản xuất, giống cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suấtlãi suất ngân hàng cao.

>>>Cổ phiếu ngành gạo "nổi sóng" theo giá gạo

Trong khi đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật dù bị cắt giảm đáng kể lại trở thành yếu tố gánh lợi nhuận cho LTG. Năm 2023, mảng này mang về 2.371 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho tập đoàn này, gấp 10 lần lợi nhuận lúa gạo.

Chủ động tái cấu trúc tài chính

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của LTG đạt gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của LTG vào mức 6.622 tỷ đồng, Công ty đang trích lập 490 tỷ đồng cho nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Tuy nhiên, khoản nợ vay nông dân là thách thức lớn của LTG. Đến giữa tháng 4/2024, Tập đoàn này đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Thế nhưng, LTG mới chỉ thanh toán hơn 2.000 tỷ đồng, còn lại vẫn thiếu của bà con nông dân.

Theo lý giải của LTG, sở dĩ tập đoàn nợ tiền nông dân do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng. LTG khẳng định đã nỗ lực, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa, nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng dòng tiền trả cho nông dân.

Ngày 20/05/2024, LTG đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Để đảm bảo dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh, LTG đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu gạo cho các thị trường Indonesia và Philippines. Tính đến ngày 25/4, doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 88.000 tấn gạo, trị giá trên 57 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) và đang có kế hoạch giao tiếp gần 70.000 tấn trong thời gian tới.

Đặc biệt, LTG chủ động tái cấu trúc tài chính, đối thoại và tìm tiếng nói chung với các đối tác tài chính cùng ngân hàng để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả, cân đối giữa các nguồn vốn, dòng vốn nhằm ổn định và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. LTG đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), đồng thời đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung và dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các nút thắt về dòng tiền trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu ngành gạo

    Cổ phiếu ngành gạo "nổi sóng" theo giá gạo

    14:50, 09/08/2023

  • Doanh nghiệp ngành gạo đón “trợ lực” từ BAC A BANK

    Doanh nghiệp ngành gạo đón “trợ lực” từ BAC A BANK

    16:47, 31/10/2023

  • Triển vọng cho ngành gạo

    Triển vọng cho ngành gạo

    04:00, 25/07/2023

HÀ PHƯƠNG