Hải Dương: Cương quyết xử lý nếu để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi

TRUNG THÀNH 27/05/2024 00:30

Hải Dương yêu cầu các địa phương chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi từ đầu năm 2024 đến nay.

>>>Hải Dương: Xử lý vướng mắc thực hiện cổ phần hóa Công ty Lai Vu

Khó xử lý

Hải Dương có hệ thống công trình thủy lợi lớn, trải dài, đan xen với các thôn, khu dân cư. Do sự thiếu chặt chẽ trong quản lý của nhiều chính quyền cơ sở nên tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra phức tạp, kéo dài, khó xử lý.

Kết quả kiểm tra, rà soát trong quý I/2024 của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho thấy, toàn tỉnh có 111 trường hợp vi phạm thủy lợi nội đồng phải giải tỏa đợt này. Trong đó Kinh Môn nhiều nhất tỉnh với 65 trường hợp. Các vi phạm này tập trung nhiều ở các tuyến kênh tưới KC1 trạm bơm Đèo Ngà và đoạn cuối kênh tiêu Phùng Khắc ở xã Quang Thành, kênh KT9 Trạm bơm Đồng Quan Bến ở xã Thăng Long, kênh KT 13 ở phường Phú Thứ...

Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kinh Môn, bức xúc nhất là hơn 50 trường hợp ven đường tỉnh 389B đoạn qua địa phận xã Quang Thành, lấn cả vào kênh KC1 Đèo Ngà và kênh tiêu Phùng Khắc. Nhiều cầu bê tông, nhà tôn, quán trùm hết mặt kênh. Thị xã Kinh Môn xác định việc giải tỏa vi phạm tuyến kênh này làm điểm, nhưng đến nay mới vận động được 4 hộ giải tỏa dứt điểm, 9 hộ đang thực hiện.

Ôngp/Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra tình hình xử lý vi phạm hành lang đường tỉnh 396 và kênh Đại Phú Giang tại huyện Ninh Giang (Ảnh: Báo Hải Dương)

Ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra tình hình xử lý vi phạm hành lang đường tỉnh 396 và kênh Đại Phú Giang tại huyện Ninh Giang (Ảnh: Báo Hải Dương)

Kênh chính của Trạm bơm Đồng Quan Bến đoạn qua thôn Trung Hòa (xã Thăng Long) - Hải Dương là điển hình về kiểu vi phạm xâm lấn. Hơn 20 năm trước, khi kiên cố hóa xong, mặt kênh rộng 5 - 6 m, đến nay có đoạn giảm còn 1,2 m. Hàng chục cầu tạm bằng tấm đan đã dần được kiên cố hoá bằng bê tông tạo lối đi vào nhà các hộ dân liền kề. Hầu hết diện tích dôi ra từ kênh đất trước đây cũng bị xâm lấn thành đất vườn, đất ở. Có vị trí công trình của người dân chỉ còn cách kênh 0,5 m, trong khi quy định tối thiểu phải 2 m.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kinh Môn cho biết các vi phạm kiểu xâm lấn diễn ra từ từ. Do người dân thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở nên nhiều trường hợp vi phạm như một thói quen, với tư duy đi mãi sẽ thành đường. Việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để, chủ yếu chỉ tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Tại một số địa phương khác trong tỉnh có tình trạng vi phạm đã lập biên bản, nhưng sau đó chủ thể vi phạm chuyển nhượng đất, công trình vi phạm này cho chủ mới, chính quyền địa phương không kiểm tra lại tình trạng vi phạm mà vẫn xác định đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất. “Đến khi rà soát và đề nghị giải tỏa gặp nhiều khó khăn do chủ mới không chấp nhận vi phạm”, ông Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết.

Quyết liệt ra tay

Không để tình trạng phát sinh vi phạm. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có thông báo kết luận về tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tiến độ, kết quả xử lý và các giải pháp thực hiện xử lý vi phạm công trình thủy lợi thời gian qua.

Trong đó, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Thông báo số 1268-TB/TU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nội đồng. Định kỳ 6 tháng (vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm) báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình, tiến độ, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, từ đầu năm 2024 đến ngày 26/4, Hải Dương phát sinh 46 vụ vi phạm công trình thủy lợi, trong đó đã xử lý, giải tỏa 7 vụ. Huyện Ninh Giang phát sinh nhiều nhất với 11 vụ vi phạm, Gia Lộc 9 vụ, Tứ Kỳ 5 vụ; các huyện Thanh Miện, Thanh Hà, Kim Thành mỗi nơi 4 vụ; TP Hải Dương 3 vụ, Cẩm Giàng 3 vụ, Bình Giang 2 vụ và Nam Sách 1 vụ. Các vi phạm chủ yếu là làm nhà tạm, nhà kiên cố, lều quán, san lấp, lấn chiếm, xây tường bao, đào ao, lập vườn...

Nhiều hộ dân ven tỉnh lộ 389B đoạn qua xã Quang Thành (Kinh Môn) làm lều quán vi phạm đồng thời cả kênh tiêu và kênh tưới (Ảnh: Báo Hải Dương)

Nhiều hộ dân ven tỉnh lộ 389B đoạn qua xã Quang Thành (Kinh Môn) làm lều quán vi phạm đồng thời cả kênh tiêu và kênh tưới (Ảnh: Báo Hải Dương)

Tính đến nay, Hải Dương đã xử lý, giải tỏa 616 vi phạm công trình thủy lợi tồn tại từ những năm trước, trong đó có 355 trường hợp do chính quyền địa phương xử lý, giải tỏa (Bình Giang xử lý 174 trường hợp, Ninh Giang 141 và Tứ Kỳ 40 trường hợp); còn lại tự giải tỏa hoặc được giải tỏa khi thực hiện các dự án xây dựng công trình do ngân sách nhà nước đầu tư, dự án dân cư, đô thị, cụm công nghiệp liên quan đến các tuyến kênh.

Toàn tỉnh còn tổng số 2.250 vi phạm phải xử lý, giải tỏa, trong đó 1.051 vi phạm trước ngày 1/7/2018 (ngày Luật Thuỷ lợi có hiệu lực) và 1.199 vi phạm từ ngày 1/7/2018 đến nay. 1.422 trường hợp được xem xét giữ nguyên hiện trạng theo điều 48 Luật Thủy lợi vì không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi. Thời gian hoàn thành xử lý các vi phạm tồn tại xong trước ngày 31/12/2024.

Một số huyện của Hải Dương làm tốt như Ninh Giang, Bình Giang, Tứ Kỳ. Tuy nhiên vẫn còn 2 huyện Thanh Hà và Nam Sách chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xử lý vi phạm; một số địa phương vẫn để phát sinh vi phạm mới.

Theo UBND huyện Gia Lộc – Hải Dương: Từ cuối tháng 10/2023 đến nay, huyện Gia Lộc đã giải tỏa 34 vi phạm công trình thủy lợi. Trong đó, 8 vi phạm do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý gồm: 4 vi phạm ở xã Hoàng Diệu, 3 vi phạm ở xã Hồng Hưng và 1 vi phạm ở xã Thống Nhất; 26 vi phạm do các địa phương quản lý.

Trước đó, UBND huyện Gia Lộc ban hành kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. UBND huyện đã thống kê chi tiết 326 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi gồm: thời gian, tính chất và mức độ vi phạm. Đồng thời giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác, tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật về bảo về công trình thủy lợi, từng bước tổ chức ra quân giải tỏa các vi phạm.

Năm 2024, huyện Gia Lộc có kế hoạch tập trung xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi. Tháng 2 và tháng 3 tập trung tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành; tổ chức cho các hộ dân có công trình vi phạm ký cam kết tự nguyện tháo dỡ, giải tỏa. Từ tháng 4 ra quân giải tỏa vi phạm các trường hợp không tự giác thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội

    Hải Dương: Đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội

    02:00, 22/05/2024

  • Hải Dương: Chi cục Hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

    Hải Dương: Chi cục Hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

    00:34, 20/05/2024

  • Hải Dương: Xử lý vướng mắc thực hiện cổ phần hóa Công ty Lai Vu

    Hải Dương: Xử lý vướng mắc thực hiện cổ phần hóa Công ty Lai Vu

    11:00, 22/05/2024

TRUNG THÀNH