Tạo đột phá thể chế phát triển logistics
Tạo đột phá thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được xem là nhiệm vụ hàng đầu tại Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
>>28/05: Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: “Chuyển đổi số - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2024"
Theo nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên, cần tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics…
Thúc đẩy phát triển hạ tầng logistics
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ trọng xuất khẩu hàng nông sản nhiều nhất cả nước. Hàng nông sản ở đây chủ yếu được vận chuyển bằng container xuất đi thị trường EU qua TP. HCM. Theo ông Phạm Quốc Long - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gemadept, phí vận chuyển 1 container hàng từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP. HCM chỉ mất phí 2,5 triệu đồng nếu dùng vận tải thủy nội địa, trong khi vận chuyển bằng đường bộ mất tới 7 triệu đồng.
Dù chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/3 đường bộ, nhưng vận tải thủy nội địa khu vực Đông Nam Bộ mới chỉ chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân chính là do hạ tầng vận tải thủy nội địa chưa phát triển, dẫn đến thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài và những chi phí phát sinh hai đầu bến. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng vận tải thủy nội địa, nhất là khi mức đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành vận tải thủy nội địa thấp.
Ông Lê Minh Đạo - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, mức đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành đường thủy nội địa rất thấp, trung bình chỉ từ 1,5 - 2,2% so với toàn ngành giao thông vận tải nên rất tiết kiệm nguồn lực. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông lĩnh vực đường thủy luôn tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên để phục vụ cho hoạt động vận tải nên chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 7 - 8% so với đường bộ.
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng logistics, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp,… là những định hướng quan trọng.
Theo nhiều chuyên gia, nếu giải quyết được vấn đề hạ tầng logistics, thì có thể góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 7% giai đoạn 2025 – 2035; giai đoạn đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%; phương tiện vận tải chuyển sang sử dụng năng lượng xanh đạt 50% số phương tiện của doanh nghiệp logistics Việt Nam,… theo Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
>>Doanh nghiệp logistics “tiên phong” chuyển đổi xanh
Cần đột phá về chính sách
Tại cuộc họp lấy ý kiến vào Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn 2045, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo 6 định hướng. Trong đó, tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics được xem là định hướng then chốt. Bên cạnh đó, định hướng đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại làm cơ sở để phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tăng cường kết nối giữa cảng biển với các tuyến cao tốc, nhất là cảng biển với đường thủy nội địa. “Những kết nối này đem lại hiệu quả rất cao. Ví dụ, khi các hàng container về Cái Mép - Thị Vải thì hơn 70% được vận chuyển bằng đường thủy nội địa; đối với cảng Lạch Huyện và các cảng phía Bắc chỉ được 13,4%”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải, như giảm sử dụng phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển; ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc vận hành, khai thác các chuỗi cung ứng logistics; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm thời gian tiếp nhận tàu, tăng năng suất khai thác cảng.
Để đạt được mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 5- 7% giai đoạn 2025 – 2035 và tăng lên 6 - 8% vào năm 2045, theo nhiều chuyên gia, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách. Trong đó, cần tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy hội nhập quốc tế, tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật đối với dịch vụ logistics theo cơ chế thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại và hạ tầng số, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; đồng thời thúc đẩy liên kết khu vực và quốc tế để đẩy mạnh phát triển logistics.
Có thể bạn quan tâm
Gia Lai: Đưa logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng
08:56, 24/05/2024
28/05: Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: “Chuyển đổi số - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2024"
15:03, 23/05/2024
Doanh nghiệp logistics “tiên phong” chuyển đổi xanh
02:30, 17/05/2024
Logistics cần được ưu tiên chuyển đổi số
00:10, 17/05/2024
Logistics xanh là nền tảng phát triển bền vững
18:53, 14/05/2024