ĐBQH đề nghị giữ nguyên quy định rút bảo hiểm 1 lần, tránh xáo trộn

NGUYỄN VIỆT 27/05/2024 11:43

Nếu chưa có phương án tối ưu thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành, để tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật có hiệu lực.

>>Rút BHXH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. HCM) đề xuất tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 27/5.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. HCM).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. HCM).

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tại điểm d khoản 1 Điều 74, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh  nhận thấy 2 phương án đều có hạn chế riêng như đánh giá của UBTVQH và các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Nêu lý do không chọn phương án 2 theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vì chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của bảo hiểm xã hội chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng băn khoăn với phương án 1 vì những người đóng bảo hiểm xã hội sau ngày luật có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Năm 2014, Quốc hội ban hành luật bảo hiểm xã hội không quy định các trường hợp này được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Sau đó tiếp thu ý kiến của người lao động tránh tạo phản ứng xã hội, Quốc hội đã bổ sung Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Nay dường như đang quay lại với phương án Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 khi chưa sửa đổi, bổ sung Điều 60 đối với nhóm những người tham gia bảo hiểm xã hộ sau khi luật này có hiệu lực. Nhưng chúng ta chưa lường hết phản ứng của xã hội đối với quy định mới này.

“Trong khi, chưa có chính sách chăm lo hữu hiệu, người lao động vẫn còn mong muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần để lo cho những bức thiết của cuộc sống trước mắt, khi mà bản thân và gia đình khi ốm đau thì họ phải “nhắm  mắt” vay tín dung đen, thì việc không cho người lao động quyền được lựa chọn thì cần phải cân nhắc”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Tại văn bản số 840/BC-UBTVQH15 ngày 19/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo đánh giá cả 2 phương án Chính phủ trình đều chưa phải là phương án tối ưu. Do đó, nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn kể cả việc tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật  này có hiệu lực thi hành.

>>Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?

>>Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai).

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đề xuất một chính sách có thể hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đó là, giao cho bảo hiểm xã hội phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi xuất rất thấp, với mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sổ bảo hiểm xã hội như một sự đảm bảo cho khoản vay của người lao động.

“Cùng với đó là thủ tục phải hết sức đơn giản, không phải chứng minh tài sản và thu nhập. Trường hợp người lao động không đồng ý vay thì nên cho người lao động được rút bảo hiểm xã hội 1 lần”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói.

Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 74 và Điều 107 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) bày tỏ ủng hộ phương án quy định người lao động được chia làm hai nhóm.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho biết, hiện tại Điều 74 của dự thảo Luật đang trình hai phương án. Mỗi phương án đều nhắm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài về an sinh xã hội cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau.

“Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, so sánh giữa hai phương án thì phương án 1 có ưu điểm đảm bảo kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, tránh được những phản ứng tập thể”, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nói.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị cần có các nhóm giải pháp đồng bộ đảm bảo có những chính sách về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… để phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, để người lao động có thể được hưởng chế độ hưu trí.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?

    03:30, 27/05/2024

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?

    04:00, 27/04/2024

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định rút BHXH một lần vẫn chưa có… lời giải

    04:00, 03/04/2024

NGUYỄN VIỆT