Tiền Giang: Nâng cao chất lượng điều hành kinh tế
"Sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Tiền Giang."
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Trần Thanh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Vị trí PCI năm 2023 của Tiền Giang là cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây và được xem là có bước tiến dài so với năm 2022 (với 63,17 điểm, xếp hạng thứ 50) khẳng định nỗ lực bền bỉ của các cấp chính quyền trong việc nâng cao chất lượng điều hành kinh tế.
- Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Tiền Giang đã có bước tiến nhảy vọt (lần lượt xếp thứ 29 và 14) kết quả này có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang, thưa ông?
Theo kết quả công bố, trong 10 chỉ số thành phần hình thành PCI năm 2023 của Tiền Giang có đến 8 chỉ số tăng điểm số; đặc biệt là Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có mức tang điểm cao nhất, từ 5,84 điểm của năm 2022 lên 7,35 điểm trong năm 2023 (với mức tăng 1,51 điểm).
Nếu nhìn vào thực tiễn, PCI Tiền Giang năm 2023 tăng mạnh được khơi nguồn từ những nỗ lực bền bỉ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đồng hành cùng doanh nghiệp của các cấp chính quyền địa phương. Nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình xử lý, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được đặc biệt quan tâm; đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tiền Giang đã ban hành đầy đủ các bộ thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư. Song song đó, việc tổ chức thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Tổ Thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách, Tổ Tiếp xúc đầu tư cấp tỉnh, cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu tư, xúc tiến đầu tư… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đồng thời UBND tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Xây dựng, cập nhật thường xuyên Danh mục Dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan: mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, địa điểm, cơ quan quản lý… và tổ chức công bố công khai qua các kênh thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ngay từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án… để nhà đầu tư an tâm, sớm triển khai thực hiện dự án đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.
Chính vì vậy, thứ hạng PCI của Tiền Giang 2023 là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Tiền Giang trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế. Với vị trí xếp hạng này, Tiền Giang không chỉ khẳng định được uy tín và sự hấp dẫn của mình đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp sẽ cảm thấy an tâm và tin tưởng hơn vào môi trường kinh doanh, từ đó mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và kinh doanh.
- Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với chất lượng điều hành kinh tế được cải thiện mạnh mẽ, ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút đầu tư của Tiền Giang trong thời gian tới?
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tạo ra một khung phát triển dài hạn và ổn định, điều này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, giúp các doanh nhân, doanh nghiệp thấy rõ hơn bức tranh phát triển của Tiền Giang trong những năm tới. Với việc cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành kinh tế, luôn đứng về phía các doanh nghiệp, Tiền Giang đã chứng tỏ mình là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tôi tin rằng trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và dịch vụ. Sự kết hợp giữa quy hoạch chiến lược và quản lý hiệu quả sẽ tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và bền vững.
- Theo ông, làm thế nào để các cấp chính quyền Tiền Giang nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành kinh tế cũng như đồng hành hiệu quả cùng cộng đồng doanh nghiệp? Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong tiến trình này?
Để cải thiện PCI và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, các cấp chính quyền Tiền Giang cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính quyền cần lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và thuận lợi. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hợp tác công - tư.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền. Hiệp hội đã và đang chủ động tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, Hiệp hội cũng đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và phát triển.
Cụ thể, Hiệp hội cung cấp thông tin chính sách, pháp luật, xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ… có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Hiệp hội phối hợp với các ngành, các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối giao thương; tận dụng các cơ hội tiếp cận về vốn, thị trường, đổi mới quản lý, công nghệ và nhân lực.
Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp hội là chủ động tham gia tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh… Sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền, Hiệp hội và doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Tiền Giang.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm