Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH
Ngày 27/5 Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); các đại biểu bày tỏ nhất trí cần phải quy định các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc…
>>Rút BHXH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho rằng, về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12 cần bổ sung, quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng BHXH cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền, để sớm có biện pháp khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH cho người lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan BHXH tại Điều 17, đại biểu cho rằng, quy định thời gian cơ quan BHXH báo cáo với Hội đồng quản lý BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND cùng cấp về tình hình các vấn đề liên quan đến BHXH và định kỳ 5 năm dự báo khả năng cân đối quỹ hưu trí tự túc trong báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHXH là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại.
“Do đó, cần giảm thời gian quy định tại khoản này theo hướng cơ quan BHXH định kỳ 3 tháng sẽ báo cáo với Hội đồng quản lý; 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ có liên quan, 6 tháng báo cáo các UBND cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ, để các bộ, ngành theo chức năng sớm có biện pháp điều chỉnh, khắc phục các vấn đề phát sinh tồn tại”, đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, về vấn đề xử lý vi phạm hành chính chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và tính khả thi khi áp dụng các quy định ở Điều 36, 37, 38, 39... cần phải quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn.
Thực tế, khắc phục tình trạng này như tại khoản 4 Điều 40 của dự thảo luật quy định "việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam". Tuy nhiên, tại Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật xem xét vấn đề này, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật BHXH, khoản 1 Điều 130 dự thảo luật có quy định "việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này".
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 130 lại viện dẫn những quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính trong hoạt động thanh tra về BHXH lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trong khi đó, viện dẫn tại Điều 94 của Luật Thanh tra hiện hành lại quy định "cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại". Như vậy, quy định này được áp dụng pháp luật nào thì cần phải được làm rõ.
Đồng quan điểm, Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, để đảm bảo tính thống nhất quy định về chậm đóng, trốn đóng BHXH tại Điều 37 và Điều 38, đề nghị bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHYT và BH thất nghiệp, để đồng bộ trong các việc xử lý khi chưa sửa đổi được Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.
Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào quy định của luật này, cho phép cơ quan BHXH thực hiện thoái thu thời gian trùng đóng BHXH do mượn hồ sơ, khi đó việc giải quyết sẽ đơn giản hơn là giao cho tòa phải tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu do ký hợp đồng lao động không đúng người.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) thống nhất cao về bổ sung quy định cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động ở Điều 41. Tuy nhiên, ở khoản 5 đề nghị đánh giá cụ thể nguồn lực, đánh giá tác động để đảm bảo khả thi khi thực hiện quy định là ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người lao động quy định tại khoản này đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc rà soát, sửa đổi căn bản, toàn diện các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật hiện hành trong thời gian qua sẽ góp phần quan trọng trong việc hướng đến mục tiêu an sinh xã hội bền vững, thể hiện rõ hơn tính nhân dân sâu sắc của Đảng và Nhà nước.
Quan tâm tới cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH, đại biểu nêu rõ, thực tiễn cho thấy rất cần thiết bổ sung thêm một điều, khoản quy định về cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động. Vì vậy, đại biểu bày tỏ thống nhất các nội dung được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 41 dự thảo Luật.
Theo đại biểu, thông qua ghi nhận thời gian tham gia BHXH và tính toán các phương thức giải quyết sẽ giúp cho người lao động có điều kiện hưởng các chế độ BHXH trong một số trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, việc xác định đối tượng đặc thù quy định tại khoản 5 Điều 41 là vấn đề liên quan đến chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện hơn, từ đó có văn bản quy định hướng dẫn riêng, không nên đưa trực tiếp vào luật để vừa đảm bảo chủ động điều chỉnh, bổ sung đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Trình Quốc hội 2 phương án về BHXH một lần
11:21, 28/05/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Có nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc?
03:30, 27/05/2024
Rút BHXH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau
03:00, 27/05/2024
BHXH Việt Nam: Cẩn trọng với cuộc gọi từ số máy lạ
11:43, 16/05/2024
Hạn chế rút BHXH một lần - Thêm quyền lợi để giữ chân người lao động
04:00, 01/05/2024
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần?
04:00, 27/04/2024
Hạn chế rút BHXH một lần: Không nên quy định cứng nhắc
04:00, 08/04/2024