Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội
Tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Ban Bí thư chỉ thị nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội dài hạn.
>>Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: Vai trò các bên
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân.
Chỉ thị cũng nêu rõ phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Đồng thời nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững; mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và nguồn vốn từ nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Trước đó, tại Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án thành lập quỹ về nhà ở xã hội, cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng.
>>Nới điều kiện cho người mua nhà ở xã hội
Thực tế, bên cạnh các thủ tục đầu tư dành cho dự án nhà ở xã hội, một nội dung khác cũng được các doanh nghiệp quan tâm là về lãi suất, nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội.
Liên quan đến nội dung trên, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đề xuất quỹ này có thể huy động từ 5 nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất là từ Ngân sách. Thứ hai là vốn góp từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Nguồn thứ 3 là phát hành trái phiếu. Thứ tư là vốn đối ứng, hay vốn bổ sung cho vay của các tổ chức tín dụng trong nước. Thứ 5 là nguồn vốn ODA và nguồn từ các tổ chức quốc tế.
“Trong quỹ này vốn Ngân sách Nhà nước sẽ là vốn mồi. Lãi suất cho vay cho cả chủ đầu tư và người mua nhà sẽ được đề xuất bằng 1/2 so với lãi suất thị trường”, TS. Cấn Văn Lực gợi mở.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Uỷ viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc Gia, Nhà nước phải có chiến lược tài chính nhà ở, có thể tham khảo một số nước rất phổ cập về chiến lược này.
Cũng thực hiện thông qua ngân hàng như Việt Nam, nhưng ở Singapore lãi suất phải do Chính phủ đề ra. Ai là công dân của nước này được quyền mua nhà ở và vay mua tại ngân hàng. Kỳ hạn cực kỳ hấp dẫn từ 30 – 36 năm, lãi suất người mua phải trả là 2%/năm, còn phần lãi chênh còn lại do Chính phủ tài trợ.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: Vai trò các bên
05:00, 28/05/2024
Nới điều kiện cho người mua nhà ở xã hội
01:00, 28/05/2024
Ban Bí thư: Ưu tiên quỹ đất, nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội
19:47, 27/05/2024
Cơ hội nào cho hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội?
20:50, 26/05/2024