Phát triển kinh tế biển xanh
Phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng của toàn cầu, nhằm góp phần trong việc hồi sinh biển và đại dương.
>>Huyện Cồn Cỏ mời gọi đầu tư phát triển kinh tế biển
Bà Nguyễn Hải Bình – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn STP cho biết khi chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo bà Bình, trong kinh tế biển thì ngành nuôi trồng thuỷ sản là một trong số những ngành có những đóng góp lớn cho Việt Nam. Đây sẽ là một hướng đi bền vững để hồi sinh được giá trị biển.
- Phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng được nhấn mạnh trên toàn cầu để góp phần hồi sinh biển và đại dương. Bà có nhận định như thế nào về điều này?
Trên thực tế, việc phát triển kinh tế biển xanh không phải là một xu hướng nhất thời mà là điều tất yếu được nhấn mạnh trên toàn cầu. Và để góp phần cho việc hồi sinh cho biển và đại dương thì tập đoàn chúng tôi cũng đang đi theo hướng đó. Trong suốt 7 năm vừa qua, chúng tôi đã đi nhiều quốc gia để tìm hiểu về công nghệ cũng như tìm hiểu về các phương thức để chung tay cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hiến kế, xây dựng các dự án hồi sinh cho biển.
Đáng chú ý, chúng ta chưa bàn đến việc phát triển kinh tế biển mà chúng ta phải bàn đến việc để phát triển được thì phải làm thế nào để hồi sinh được nguồn tài nguyên biển lớn lao mà gần như chúng ta đã bỏ quên hàng thập kỉ qua. Đến nay, xu hướng phát triển kinh tế biển xanh đang là xu hướng “nóng” trên toàn thế giới. Trong kinh tế biển thì ngành nuôi trồng thuỷ sản là một trong số những ngành có những đóng góp lớn cho Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng, đây sẽ là một hướng đi bền vững để chúng ta cùng chung tay bảo tồn và hồi sinh được giá trị biển của chúng ta.
- Xin bà cho biết những khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế biển xanh?
Một “điểm nghẽn” lớn trong quá trình các doanh nghiệp định hướng về phát triển trên biển là quy hoạch. Hiện nay, quy hoạch còn khá chồng chéo. Ngành nuôi trồng thủy sản trên biển có thể sẽ kéo theo một số ngành khác như: giao thông, hàng hải, đặc biệt là ngành du lịch. Nhưng vì đi sau nên chúng ta không còn nhiều quy hoạch, diện tích biển, những tài nguyên quý báu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
Đặc biệt, khi lập xong quy hoạch rồi, chúng ta lại phải xác định quy hoạch chi tiết cho từng vùng nuôi. Nếu không có giá trị thì làm sao có thể hồi sinh được biển. Khi đến quy hoạch chi tiết, chúng ta mới thấy rằng khu vực đó chưa chắc đã phù hợp để nuôi được loài cá hay rong để giúp địa phương đó làm giàu. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ phải khắc phục, thậm chí phải sửa đổi rất nhiều về quy hoạch.
Bên cạnh đó, trong khó khăn của doanh nghiệp, tôi xin nêu ra hướng đi của 3 bộ, ngành chính gồm: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo tôi, 3 bộ cần phải ngồi với nhau để chung một hướng đi cho các doanh nghiệp xin dự án trên biển. Mặc dù là các dự án nuôi trồng thuỷ sản nhưng có hướng đi mở cho định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, thậm chí là du lịch 5 sao. Có như vậy, chúng ta mới kích thích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện các doanh nghiệp chưa muốn tham gia vào nuôi biển bởi họ nói nuôi biển là một trong số những ngành nghề có tỷ lệ rủi ro cao và thu lợi chậm. Vì vậy, nếu chúng ta không mở được hành lang mang tầm nhìn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thì chắc chắn chúng ta có điểm nghẽn, ở đây là không ai muốn làm hoặc khi làm thì những doanh nghiệp làm theo hướng chưa bài bản.
>>Quảng Trị: Kinh tế biên mậu “bứt tốc”
- Vậy phía doanh nghiệp có đề xuất gì với các bộ, ban, ngành liên quan trong việc đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, thưa bà?
Gần đây, STP đã có kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cũng đang cùng với Hiệp hội nuôi biển Việt Nam có tiếp một văn bản gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chúng tôi cũng đã có một số văn bản gửi đến một số tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Khánh Hoà, Quảng Ninh về việc giải quyết và tháo gỡ những khó khăn.
Doanh nghiệp chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện việc nuôi biển một cách khác biệt, nhằm tạo ra một hướng đi mới. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi mới chỉ thực hiện được ở tỉnh Quảng Ninh vì đây là tỉnh có sức mạnh nội tại. Đầu tháng 4 vừa qua, STP là một doanh nghiệp điển hình trong cả nước được cấp phép nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng được tỉnh Quảng Ninh lấy dự án làm dự án kiểu mẫu nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch.
Kiến nghị của tôi với các bộ, ngành, địa phương rất nhiều. Nhưng việc quan trọng nhất là chúng ta phải có một cơ chế, chính sách phù hợp từ các địa phương cho doanh nghiệp và cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các địa phương kết hợp với Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ khi giao mặt nước cho bà con và kết hợp với Quyết định 67 sửa đổi vừa rồi về hỗ trợ cho ngành nuôi trồng thuỷ sản. Từ đó, chúng ta xây dựng một phương án hỗ trợ bà con bằng cách cho vay nhưng hỗ trợ bằng lãi suất và gắn với giá trị được cấp sổ 30 năm thành tài sản tín chấp để bà con đưa vào thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Huyện Cồn Cỏ mời gọi đầu tư phát triển kinh tế biển
17:58, 20/04/2024
Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
20:42, 12/04/2024
Quảng Trị: Kinh tế biên mậu “bứt tốc”
09:39, 08/02/2024
Phú Yên: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung bộ
12:45, 12/02/2024