Hạ tầng giao thông: tạo động lực phát triển

PHƯƠNG ANH 31/05/2024 12:34

Tỉnh Long An đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo giao thông trong tỉnh được thông suốt, kết nối liên vùng, liên tỉnh.

Xác định hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển, những năm qua, tỉnh Long An đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo giao thông trong tỉnh được thông suốt, kết nối liên vùng, liên tỉnh. Qua đó, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được kiểm tra tiến độ thực hiện đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua Long An.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được kiểm tra tiến độ thực hiện đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua Long An.

Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An xác định, huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là 1 trong 3 chương trình đột phá của tỉnh.

Huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết: Tỉnh tập trung nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giao thông liên kết vùng. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Nhiều công trình giao thông lớn, kết nối các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đã đưa vào sử dụng, như: Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT823, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT826B,... Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng nhanh thu hút đầu tư. Ngoài ra, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông còn kéo theo sự phát triển đô thị, hình thành các khu dân cư tập trung, làm tiền đề phát triển đô thị trong tương lai. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, cộng với hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, Long An đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Nhằm phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Long An xác định 3 công trình giao thông trọng điểm để thực hiện gồm: Đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; ĐT830E; QL50B. Ngoài ra, tỉnh còn có chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. 8 công trình giao thông được xác định thực hiện chương trình đột phá: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; ĐT826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu kênh Ranh); đường Tân Tập - Long Hậu; nút giao đường Hùng Vương - QL62.

Công trình đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh trên địa bàn huyện Bến Lức được khẩn trương thi công.

Công trình đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh trên địa bàn huyện Bến Lức được khẩn trương thi công.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Long An có lợi thế liền kề với TP.HCM, rất thuận lợi trong liên kết phát triển hạ tầng giao thông. Theo đó, tỉnh tập trung các nguồn lực triển khai nhiều công trình giao thông kết nối, gồm các công trình chuyển tiếp và công trình dự kiến đầu tư mới theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng và liên vùng.

Các kết nối giao thông đồng bộ và hiện đại của tỉnh Long An đã góp phần giảm chi phí vận tải, logistics cho doanh nghiệp. Các tuyến đường đang được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, kết nối với nhau, giúp giảm ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các khu, cụm công nghiệp, các địa phương trong tỉnh, giữa Long An với các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng ĐBSCL. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với nhiệm vụ “đi trước mở đường”, năm 2024, Nghị quyết Tỉnh ủy tiếp tục xác định tập trung phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với đẩy mạnh liên kết vùng, huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị sớm đầu tư các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh như Đường Vành đai 4 TP.HCM; cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; đường dẫn vào cầu và 3 cầu trên tuyến ĐT827E; nâng cấp, mở rộng QL62, N2; đầu tư QLN1...

Ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết, khi các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá và các công trình trọng điểm hoàn thành, hệ thống giao thông của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Đây sẽ là động lực để tỉnh bứt phá trong phát triển KT-XH, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL.

Tỉnh Long An tiếp tục tập trung nguồn lực phân bổ cho các dự án giao thông quan trọng, trọng điểm của tỉnh để các dự án sớm được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thu hút đầu tư tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Long An vươn lên vị trí Á quân PCI 2023

    Long An vươn lên vị trí Á quân PCI 2023

    21:34, 09/05/2024

  • Long An: Tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác với đối tác Nhật Bản

    Long An: Tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác với đối tác Nhật Bản

    08:56, 10/12/2023

  • Long An: “Bất cập” quy hoạch công viên văn hoá?

    Long An: “Bất cập” quy hoạch công viên văn hoá?

    10:35, 22/11/2023



PHƯƠNG ANH