Xuất khẩu Hải Dương duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2024, xuất khẩu của tỉnh Hải Dương là điểm sáng khi duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.
>>>Hải Dương: Phát triển nhà phù hợp với chỉ tiêu phân bổ đất
Theo Sở Công thương, giá trị hàng hóa xuất khẩu trong tháng 4 của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 891 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đạt gần 3 tỷ 130 triệu USD, tăng 12%.
Giá trị hàng hoá nhập khẩu tháng 4 của Hải Dương đạt trên 841 triệu USD, tăng 10,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 2 tỷ 630 triệu USD, tăng 12,5%. Trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Hải Dương chiếm gần 92%.
Theo Cục XNK Bộ Công thương: Hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng khá cao. Các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thị trường xuất khẩu, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết như: Hiệp định Thương mại toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)... Đây là những nguyên nhân chính giúp giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Nguyên nhân hàng hóa xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm tăng, là do một số nền kinh tế đang phục hồi. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản giúp các doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương bước đầu thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Được biết, những doanh nghiệp tiếp tục có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định trên địa bàn như các Công ty TNHH: Công nghiệp Brother Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, Hyundai Kefico Việt Nam, Ford Việt Nam, May Tinh Lợi…
Theo Hải quan Hải Dương: Từ đầu năm đến nay, có thêm 16 doanh nghiệp về làm thủ tục thông quan hàng hóa tại Chi cục Hải quan. Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam là doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất, với gần 178 triệu USD xuất khẩu và trên 156 triệu USD nhập khẩu. Tiếp theo, là những doanh nghiệp tiếp tục có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định như các Công ty TNHH: Sumidenso Việt Nam, Hyundai Kefico Việt Nam, Ford Việt Nam, May Tinh Lợi, Sun Acoustic Vina…
Đại diện Công ty may Tinh Lợi chia sẻ: Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản. Nhờ nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới và giữ chân người lao động, giữ uy tín về chất lượng sản phẩm nên doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, dây và cáp điện, xi măng, sắt thép. Những năm qua tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là vải thiều Thanh Hà và nông sản.
Được biết, hiện nay đang là mùa vụ vải của Hải Dương. Tính đến nay tỉnh này có 4 doanh nghiệp lớn thu mua, xuất khẩu. Các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải sang thị trường nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Malaysia, Thái Lan và Trung Đông...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vụ vải năm nay có 4 doanh nghiệp lớn trong tỉnh thu mua, xuất khẩu vải gồm các Công ty: CP Ameii Việt Nam, TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ, TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà và CP Nông sản Hưng Việt. Đây là 4 doanh nghiệp chính tham gia thu mua và xuất khẩu vải với số lượng lớn sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Trung Đông...
Ngoài 4 doanh nghiệp trên, tỉnh còn một số doanh nghiệp, hợp tác xã cũng tham gia thu mua vải như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh V- Phúc, Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn, Công ty CP Giống cây trồng, nông sản xuất khẩu Kiên Giang…
Hải Dương hiện có 8.850 ha vải, riêng huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều gồm 1.950 ha vải sớm. Năm 2024, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải của tỉnh ước đạt 40.000 - 45.000 tấn, giảm khoảng 15.000-20.000 tấn so với năm trước đó.
Hiện nay, vải thiều là 1 trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chăm sóc theo quy trình Viet GAP, Global GAP; đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm…
Đáng chú ý, về quy trình sản xuất, toàn tỉnh có 52 vùng đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó, 41 vùng VietGAP (Thanh Hà 37 vùng, Chí Linh 2 vùng, Ninh Giang 2 vùng) với tổng diện tích là 500ha; 11 vùng GlobalGAP (Thanh Hà 10 vùng, Chí Linh 1 vùng) với tổng diện tích là 110 ha, sản phẩm tại các vùng này đáp ứng đủ điều kiện để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Các vùng sản xuất còn lại cơ bản đều được sản xuất theo quy trình an toàn.
Về mã sỗ vùng trồng, toàn tỉnh hiện có 198 mã (66 mã xuất Trung Quốc; 38 mã xuất Nhật Bản; 41 mã xuất Mỹ; 45 mã xuất Australia; 8 mã xuất Thái Lan) tương ứng 1.124,85 ha. Trong đó, Thanh Hà có 167 mã (48 mã xuất Trung Quốc; 34 mã xuất Nhật Bản; 38 mã xuất Mỹ; 39 mã xuất Australia; 8 mã xuất Thái Lan), tương ứng 720,85 ha
Về mã cơ sở đóng gói, toàn tỉnh hiện có 21 mã cơ sở đóng gói vải xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở Thanh Hà, trong đó có 02 mã xuất Nhật Bản, 01 mã xuất Mỹ, 2 mã xuất Úc, 2 mã xuất New Zeland, 1 mã xuất Thái Lan và 13 mã xuất Trung Quốc. Vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, cao cấp như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Bỉ, Hà Lan, Séc, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc khu vực Trung Đông và ASEAN .
Được biết, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Hải Dương trong năm nay là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ 800 triệu USD, tăng 20,4% so với năm 2023.
Có thể bạn quan tâm