Mỹ tăng thuế với Trung Quốc (Kỳ II): Những tác động khó lường

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập 01/06/2024 12:00

Việc Mỹ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ mở đầu một giai đoạn mới về chiến tranh thương mại và công nghệ giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc.

p/Trong quý 1/2024, Việt Nam nhập khẩu 5.821 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước và tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1/2024, Việt Nam nhập khẩu 5.821 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước và tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

>> Mỹ tăng thuế với Trung Quốc (Kỳ I): Mỹ đang toan tính gì?

Trước thực trạng trên, những quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc cần có giải pháp ứng phó để tránh tác động khó lường.

Tác động tới Mỹ

Có những lập luận cho rằng việc Mỹ tăng mạnh thuế với Trung Quốc có thể sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt vì phải mua hàng giá cao, và quan trọng hơn nó sẽ khiến lạm phát Mỹ tăng trở lại. Tuy nhiên, những lập luận này là không chắc chắn bởi vì, thứ nhất, tổng giá trị mặt hàng của Trung Quốc mà chính quyền Biden đánh thuế chỉ là 18 tỷ USD, một con số rất nhỏ so với quy mô nền kinh tế Mỹ. Do đó, tác động lên lạm phát gần như không có. Thứ hai, nếu giá hàng xe điện từ Trung Quốc tăng thì người mua Mỹ sẽ chọn xe Mỹ và châu Âu vì chất lượng của chúng tốt hơn nhiều so với xe điện Trung Quốc.

So với cách đánh thuế của cựu Tổng thống Donald Trump thì cách làm của ông Biden có vẻ hiệu quả hơn. Chính quyền Trunp đánh thuế lên cả gói nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD mà không phân biệt hàng hóa nào được cho là có tác động ít nhiều lên lạm phát. Trong khi đó, chính quyền Biden lại đánh thuế có mục tiêu nhằm vào ngành mũi nhọn mà Trung Quốc theo đuổi sẽ khiến Trung Quốc gặp khó trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích của Mỹ.

Theo cách này, ông Biden vừa tránh được gây lạm phát, vừa ngăn Trung Quốc chiếm lĩnh được đỉnh cao công nghệ, trong khi Mỹ vẫn duy trì được quyền kiểm soát thị trường toàn cầu, vừa tạo tăng trưởng và việc làm cho Mỹ.

Lôi kéo châu Âu

EU hiện đang điều tra chống bán phá giá đối với xe điện, tấm pin mặt trời… của Trung Quốc trước khi đưa ra các biện pháp ngăn chặn hàng giá rẻ này từ Trung Quốc.

Chuyến đi châu Âu vừa qua của ông Tập Cận Bình, ngoài việc được cho là nhằm ngăn châu Âu có biện pháp chống lại sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc, thì còn nhằm thiết lập cơ sở sản xuất hàng “chiến lược” của Trung Quốc ở Hungary để bán vào EU.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU và NATO cho rằng Trung Quốc vừa muốn hỗ trợ Nga tấn công Ukraine và gây bất lợi cho châu Ậu, nhưng lại vừa muốn kiếm lời từ châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể có cả hai cùng một lúc.

Vậy việc tăng mạnh thuế của chính quyền Biden đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ là sự thúc đẩy lớn đối EU trong tiến trình ngăn chặn hàng thừa giá rẻ của nước này bán vào EU.

>> Quốc gia nào hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung?

Trung Quốc sẽ gặp khó

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp khó, nước này xác định lĩnh vực công nghệ cao mới là hướng đầu tư phát triển chiến lược. Các sản phẩm trong lĩnh vực sẽ là động lực mới của nền kinh tế, thay vì bất động sản và xuất khẩu hàng dựa vào lao động rẻ trong quá khứ.

Tuy nhiên, việc Mỹ và cả EU là hai đối tác hàng đầu của Trung Quốc gia tăng các biện pháp ngăn chặn dòng hàng hóa này từ Trung Quốc sẽ là đòn giáng mạnh vào triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

Do trợ cấp và khuyến khích thái quá, công suất trong các lĩnh vực này ở Trung Quốc hiện đã quá thừa. Cầu nội địa giảm sút khiến khối lượng hàng hóa thừa giá rẻ ở Trung Quốc ngày càng lớn. Việc tiêu thụ những mặt hàng này vào Mỹ và EU, nếu bị ngăn chặn, tình trạng phá sản hàng loạt các cơ sở sản xuất này sẽ lại càng làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc hơn nữa.
Quốc gia nào chịu áp lực lớn?

Ngoài Mỹ và EU thì các nước như Brazil, Ấn Độ, Việt Nam, Nam Phi… đã bắt đầu cảm nhận sức nóng từ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Với công nghệ bán hàng online thì áp lực này lại càng lớn khi các biện pháp kiểm soát thương mại truyền thống không còn hiệu quả.

Như vậy, các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải đối mặt với áp lực hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có thể gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà sản xuất trong nước. Do đó, sự hỗn loạn trong thương mại và sụt giảm tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Một số nước như Brazil, Ấn Độ… đã bắt đầu phải tăng thuế vì lo sợ hàng thừa từ Trung Quốc bán phá giá.

Hàm ý cho Việt Nam

Việt Nam đang đứng giữa hai “làn đạn”, nên cần có sự điều chỉnh nhất định. Năm 2023, Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 105 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2018 khi ông Trump áp thuế nặng lên hàng Trung Quốc. Đáng lưu ý, người Mỹ cho rằng sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ hoàn toàn trùng khớp với sự bùng nổ nhập khẩu nguyên liệu và dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Trong quá khứ, Việt Nam đã bị Mỹ phạt vì cho phép Hàn Quốc trá hình sản xuất thép ở Việt Nam, rồi bán vào Mỹ, hay Trung Quốc cũng trá hình sản xuất nhôm và thép ở Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Do đó, Việt Nam cần giảm phụ thuộc hàng nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như có những biện pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất trá hình hàng hóa Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ và EU.

Mặt khác, nếu Việt Nam không ngăn chặn được hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào thì các nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn. Do đó, Việt Nam cần có biện pháp ứng phó sớm.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ tăng thuế với Trung Quốc: Hé lộ nhiều “góc khuất”

    Mỹ tăng thuế với Trung Quốc: Hé lộ nhiều “góc khuất”

    04:00, 28/05/2024

  • Mỹ tăng thuế với Trung Quốc:

    Mỹ tăng thuế với Trung Quốc: "Bóng ma" lạm phát sẽ quay lại?

    04:00, 21/05/2024

  • Doanh nghiệp châu Á tìm cách đối phó với việc tăng thuế của Mỹ

    Doanh nghiệp châu Á tìm cách đối phó với việc tăng thuế của Mỹ

    03:00, 21/05/2024

  • Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    Mỹ đánh thuế “khủng”, xe điện Trung Quốc sẽ về đâu?

    04:00, 20/05/2024

  • Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung:

    Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung: "Hé lộ" quốc gia bị liên lụy

    03:30, 17/05/2024

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập