Ngân hàng Big 4 bán vàng miếng SJC, chuyên gia và nhà băng nói gì?
Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (Big 4) khẳng định bán vàng miếng SJC là nhiệm vụ chính trị nhằm bình ổn thị trường, không hướng tới có lãi.
>>>NHNN: Không thay đổi điều hành tỷ giá, cần thận trọng với tin đồn
Nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 04 NHTMNN để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Chia sẻ về chủ trương này, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - cho biết, đây là một chủ trương kịp thời, đúng đắn và trách nhiệm của NHNN cũng như cả hệ thống NHTM.
Đồng thời, Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết, trước mắt ngân hàng sẽ triển khai bán vàng cho các cá nhân có nhu cầu. Về cơ bản, các thủ tục sẽ rất thuận tiện, đơn giản, tuy nhiên khách hàng cũng cần lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân và tuân thủ một số quy định giao dịch, thanh toán hợp pháp về hóa đơn và phòng chống rửa tiền.
Cùng quan điểm chung với TGĐ Agribank, trả lời báo chí, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, thực hiện chủ trương đúng đắn của NHNN, ngân hàng BIDV đã rất trách nhiệm để triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể như sau: Công bố danh sách các điểm bán vàng miếng nêu trên, thời gian bắt đầu thực hiện bán vàng miếng trên website của Ngân hàng; Hoàn thiện thủ tục thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN; Thiết lập mạng lưới phân phối ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng (Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa -Vũng Tàu…). Trước mắt là triển khai ngay tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội; Sẽ công bố công khai hàng ngày giá bán vàng trên website của BIDV.
Theo kế hoạch, dự kiến các ngân hàng sẵn sàng triển khai bán vàng trực tiếp tới người dân bắt đầu ngay trong ngày Thứ Hai (03/6/2024).
"Ngay trong ngày Thứ Hai (03/6/2024), NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 NHTMNN theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới và mục tiêu điều hành giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay.
Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite chính thức của các NHTMNN để người dân tiện theo dõi. Chúng tôi xác định nhằm thực hiện chủ trương bình ổn thị trường của Chính phủ và NHNN nên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ NHNN. Việc này sẽ góp phần để sớm hiện thực hoá mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới", Tổng Giám đốc BIDV nhấn mạnh.
Với Agribank, theo ông Phạm Toàn Vượng, ngân hàng lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp, đã triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng bắt đầu cung ứng vàng cho người dân từ ngày 03/6/2024. Agribank cũng sẽ tổ chức thực hiện tại Hà Nội, Tp.HCM và theo dõi diễn biến thị trường để tiếp tục triển khai mở rộng hơn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Vượng cũng cho rằng thông qua phương thức các NHTMNN bán vàng cho dân, việc xuất hóa đơn, thanh toán qua tài khoản, giúp khẳng định được giao dịch hợp pháp, cũng là khẳng định quyền sở hữu của người mua; đồng thời điều này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các giao dịch, lượng vàng luân chuyển trong cá nhân, tổ chức và các đơn vị được phép kinh doanh vàng.
"Với chức trách của NHTM, chúng tôi đảm bảo cung ứng nhu cầu hợp pháp của người dân. Về giá bán, chúng tôi tham gia vào thị trường để bán vàng, không vì mục đích lợi nhuận mà quan trọng nhất là thực hiện mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế so với hiện nay", TGĐ Agribank bày tỏ.
Theo dữ liệu tại cuối 2023, BIDV đang có 895 phòng giao dịch, 189 chi nhánh trên toàn quốc. Agribank có mạng lưới lớn nhất hệ thống với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp mọi vùng, miền, huyện đảo cả nước.
Ngoài ra, 2 NHTMNN cũng tham gia phương án bình ổn thị trường, bán vàng miếng SJC đến tay người dân là Vietcombank và VietinBank. Trong đó, Vietcombank có 517 phòng giao dịch phủ sóng 58/63 tỉnh thành, 126 chi nhánh. VietinBank có 155 chi nhánh, 956 phòng giao dịch trong cả nước.
>>>4 NHTM có vốn Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân
Liên quan đến phương án các NHTMNN bán vàng miếng, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, hoạt động đấu thầu vàng miếng trước đây chỉ là giải pháp tình thế. Muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới phải từ phân tích đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp.
"Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới là mất cân đối cung – cầu. Nhiều năm nay, NHNN không nhập khẩu vàng, tức nguồn cung chính thức không có. Những năm trước đây, cung vàng trong nước chủ yếu đến từ vàng nhập lậu. Tuy nhiên, trong năm 2023, nhà nước đã thực hiện công tác chống buôn lậu rất hiệu quả trong khi sức cầu lại tăng đột biến (do thị trường bất động sản suy thoái và lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục). Điều này dẫn tới nguồn cung khan hiếm, giá vàng bị đẩy lên cao, chênh lệch giá trong nước và thế giới ngày càng doãng rộng.
Do vậy, vẫn cần phải giải quyết câu chuyện về nguồn cung một cách hợp lý, thông qua cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu một lượng vàng nhất định về bổ sung cho thị trường. Việc NHNN nhập một vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là giải pháp đúng, là tăng cung có kiểm soát", ông Hiển phân tích.
Ngoài ra, về giá, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng nhận định, hiện giá vàng miếng SJC trong nước đang ở mức trên 90 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới quy đổi khoảng 75 triệu đồng/lượng. Nếu NHNN bán cho nhóm ngân hàng Big 4 với giá tương đương giá thế giới thì không thể đủ nguồn cung vì ai cũng chen mua dù chưa có nhu cầu.
"Tôi cho rằng, NHNN sẽ bán theo giá thế giới cộng thêm độ chênh lệch nhất định để đảm bảo từng bước giảm độ chênh giữa giá vàng Việt Nam và thế giới, và phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, lượng bán cũng sẽ chia nhỏ mỗi lần để đưa từ từ vào thị trường, từng bưới giảm giá vàng Việt Nam phù hợp.
Ông nhấn mạnh, trong giai đoạn đầu can thiệp thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chưa thể giảm ngay. Điều quan trọng là phần chênh lệch này nằm trong tay nhà nước để có dự trữ phòng ngừa rủi ro và điều tiết, thay vì chảy vào túi đầu cơ, buôn lậu.
Ngoài giải pháp này, theo ông, giải pháp tăng cường thanh kiểm tra thị trường vàng đang tiến hành là rất hiệu quả. Điều này sẽ đảm bảo vàng giao dịch trên thị trường có nguồn gốc rõ ràng, ngăn chặn vàng lậu.
Ngay sau ngày NHNN công bố bán vàng trực tiếp cho các NHTMNN để bán vàng trực tiếp cho dân, giá vàng miếng SJC đã giảm sốc gần 4 triệu đồng/ lượng. Lúc 15h30 ngày 30/5, giá vàng miếng SJC mua vào bán ra niêm yết ở 86,3 triệu đồng/ lượng - 88,8 triệu đồng/ lượng. Giá vàng trong nước giảm cùng tương đồng cùng chiều quay đầu của giá vàng quốc tế chốt phiên 29/5 theo giờ địa phương tại 2.332,8 USD/ounce, giảm tới 30 USD/ounce.
Một chuyên gia chia sẻ hiện vẫn chưa thể kỳ vọng thông qua phương án nhóm ngân hàng Big 4 bán vàng miếng SJC đến tay người dân, giá vàng trong nước sẽ giảm ngay bởi giá vàng mà NHNN bán lại sẽ theo giá vàng thế giới. Nếu giá vàng thế giới tăng cao thì giá vàng trong nước tất yếu cũng sẽ tăng cao. Tuy nhiên, thông qua mua vàng tại nhóm NH không đặt mục tiêu lấy lãi, kỳ vọng sẽ kéo khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế về mức phù hợp. Cùng với đó, nhu cầu mua vàng, tích lũy hay đầu cơ cũng sẽ được xác định rõ ràng hơn, tránh cho các tác động tâm lý đẩy giá vàng qua các hành vi thao túng giá vàng, đẩy nhu cầu ảo trên thị trường (nếu có).
Ngoài ra, ông này cũng đặt câu hỏi hiện các NHTMNN chỉ mới công bố bán vàng, chưa nói rõ có mua vàng từ dân bán lại hay không. Nếu chỉ lưu thông một chiều thì các mối quan hệ, sự vận động trên thị trường vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với quy luật kinh tế của thị trường.
Có thể bạn quan tâm