Vẫn thiếu các giải pháp để ngăn chặn tiêu cực trong đấu thầu

TUẤN VỸ 01/06/2024 03:00

Đó là nhận định của TS. Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam tại Hội thảo về Luật Đấu thầu 2023 tổ chức sáng ngày 31/5.

>>Bất cập đấu thầu dự án chưa giải phóng mặt bằng

Cụ thể, tại Hội thảo khoa học: “Luật Đấu thầu 2023 – Những kỳ vọng và thách thức trong thi hành trên lĩnh vực đầu tư xây dựng”, TS. Trần Công Phàn thông tin tại Việt Nam, hoạt động đấu thầu được luật hóa lần đầu tiên trong chương VI Luật Xây dựng 2003. Tiếp đó, Luật Đấu thầu 2003 được ban hành để điều chỉnh hoạt động đấu thầu đáp ứng các đòi hỏi của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế.

Theo ông Phàn, qua 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu 2013 bộc lộ khá nhiều bất cập so với sự phát triển của đất nước dẫn đến việc Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu 2023, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2024. Vị này cho rằng Luật Đấu thầu 2023 có rất nhiều điểm mới và được kỳ vọng sẽ mở được nhiều nút thắt cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.

“Tuy nhiên, giữa pháp luật và thi hành pháp luật vẫn có những khoảng cách mà các chuyên gia pháp luật, kinh tế gọi là những sự cắt khúc. Luật Đấu thầu năm 2023 cũng có thể có những khúc cắt mà chỉ có thể nhận ra từ hoạt động thi hành. Mặc dù mới có hiệu lực được hơn ba tháng song do tính chất đặc biệt của nó, Luật Đấu thầu 2023 đã được áp dụng khá nhiều trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng”, TS. Phàn cho hay.

Hội thảo khoa học: “Luật Đấu thầu 2023 – Những kỳ vọng và thách thức trong thi hành trên lĩnh vực đầu tư xây dựng” tổ chức tại TP. Đà Nẵng sáng ngày 31/5.

Hội thảo khoa học: “Luật Đấu thầu 2023 – Những kỳ vọng và thách thức trong thi hành trên lĩnh vực đầu tư xây dựng” tổ chức tại TP. Đà Nẵng sáng ngày 31/5.

Cũng theo TS. Trần Công Phàn, Luật Đấu thầu mới sẽ tập trung nhất vào ngăn chặn khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước dù thuộc bất cứ hình thức sở hữu nào. Lấy ví dụ cụ thể, ông Phàn đề cập đến siêu dự án Đại Ninh Lâm Đồng với 3600ha đất bỏ hoang 14 năm qua. Vị này cũng nhắc đến tình trạng lãng phí, tiêu cực, tham nhũng liên quan nhiều đến đất nơi hoạt động đấu thầu bị bóp méo, bị sử dụng để che đậy những giao dịch bất động sản không phải vì sự phát triển mà vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

“Đấu thầu không có lỗi vì bản chất của nó là thiết chế kinh tế - pháp lý tích cực. Tuy nhiên, pháp luật đấu thầu thì vẫn có trách nhiệm bởi vì ở khía cạnh nào đó chưa thực phù hợp, chưa thực kín kẻ, thiếu các giải pháp để đảm bảo những người có thẩm quyền, nhà đầu tư, nhà thầu không thể, không dám dùng những công cụ như thông thầu, hủy thầu, định giá đất, dự toán, kiểu “cài lạ chèn quen” nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, TS. Phàn nói thêm.

Theo ThS Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tạo dựng khu pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng vốn nhà nước. Qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật và khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu cũng sẽ đơn giản hoá thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, cũng sẽ góp phần tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

a

TS. Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam khẳng định đấu thầu không có lỗi nhưng trong đấu thầu vẫn có các hành vi tiêu cực.

“Đồng thời, sẽ xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội”, ThS Lê nhìn nhận.

Tại Hội thảo, ThS, Luật sư Lê Cao – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh FDVN thông tin hoạt động đấu thầu tại Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, tiêu cực nhất định. Trong đó, có tình trạng dàn xếp, thỏa thuận ép buộc để thực hiện hành vi thông thầu  hoặc tình trạng thực hiện hành vi cản trở, can thiệp trong hoạt động đấu thầu và chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật và các hành vi bị cấm khác vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Ví dụ cụ thể, Luật sư Cao đề cập đến các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu tại Bệnh viện TP. Thủ Đức (giai đoạn 2016-2020), vi phạm đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại tỉnh Sơn La (năm 2018), 03 gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2015, 2016, 2017,...

“Có thể thấy, thực trạng thông thầu, cản trở thầu, chuyển nhượng thầu, bán thầu trái quy định pháp luật vẫn còn diễn ra khá nhiều trong hoạt động đấu thầu. Tình trạng này xuất phát từ chính quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu khi chưa cụ thể hóa  các hành vi cấm thầu một cách rõ ràng, cũng như chưa có chế tài xử phạt phù hợp nhằm răn đe đối với các đối tượng thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu”, Luật sư Lê Cao nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất cập đấu thầup/dự án có sử dụng đất

    Bất cập đấu thầu dự án có sử dụng đất

    15:35, 30/05/2024

  • Minh bạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

    Minh bạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

    03:00, 03/05/2024

  • “Luồng gió mới” trong hoạt động đấu thầu

    “Luồng gió mới” trong hoạt động đấu thầu

    14:41, 16/11/2023

  • Lâm Đồng chấn chỉnh công tác đấu thầu

    Lâm Đồng chấn chỉnh công tác đấu thầu

    00:03, 12/08/2023

TUẤN VỸ