Sửa Luật Thuế GTGT: Lo doanh nghiệp chế xuất bị “làm khó”
Việc bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan sẽ gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khác…
>>Sửa Luật Thuế GTGT: Cần tiếp tục rà soát các đối tượng không chịu thuế
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV và được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, một trong những nội dung của Dự thảo Luật đang cộng đồng doanh nghiệp chế xuất lo ngại. Đó là việc bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong khu vực phi thuế quan. Nếu áp dụng mức thuế GTGT lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu vực phi thuế quan thì sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi như Dự thảo Luật sẽ gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khác. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu không phải là doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế hoàn thuế đối với cả chi phí dịch vụ mua vào, thì các doanh nghiệp chế xuất lại không có cơ chế để được hoàn thuế đối với chi phí này.
Theo nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất thuế suất dịch vụ xuất khẩu cơ bản ở mức 10% thay vì 0% như trước tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác.
Theo VCCI, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. VCCI chưa tìm thấy trường hợp nào đánh thuế đối với dịch vụ xuất khẩu.
Đối với xuất khẩu dịch vụ, Luật thuế GTGT hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0% nhưng trên thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu.
Cũng xuất phát từ lý do khó khăn trong thực thi, dự thảo này đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, thay vào đó là áp thuế 10%.
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia khác trong việc thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng dịch vụ xuất khẩu 0%, VCCI nhận thấy các nước thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Để bảo đảm kê khai thuế chính xác, các quốc gia cũng yêu cầu doanh nghiệp phải hạch toán riêng doanh thu từ người dùng trong nước và nước ngoài, sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra như: dữ liệu từ các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, và dữ liệu thanh toán ngân hàng. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro.
>>Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, để bảo đảm hạch toán riêng giữa doanh thu từ người dùng trong nước và người dùng nước ngoài, doanh nghiệp đã buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp này phát sinh nhiều vấn đề và làm tăng chi phí vận hành, cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.
Hiện nay, tình trạng các công ty công nghệ thông tin của Việt Nam ra nước ngoài mở doanh nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến. Ngoài việc có được ưu thế về huy động vốn từ nhà đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi thì vấn đề thuế cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.
Nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu hai lần thuế giá trị gia tăng cho hai quốc gia. Nhưng nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam.
Với tất cả các lý do trên, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Góp ý từ góc nhìn chuyên gia, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, việc không áp dụng thuế suất 0% làm tăng chi phí dịch vụ xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; qua đó, làm tăng giá thành sản phẩm doanh nghiệp chế xuất giao cho Việt Nam gia công và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng gián tiếp về giá gia công…
“Nên giữ nguyên như quy định hiện hành, hoặc bổ sung cụ thể các dịch vụ được áp thuế suất 0%, chẳng hạn như chi phí gia công cho khu chế xuất”, bà Cúc đề xuất.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Minh Hằng (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển đổi sang kinh tế dịch vụ, thay vì thu hẹp dịch vụ như tại Dự thảo Luật, nên tính đến hai phương án.
“Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định “dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%” và nhất quán áp dụng nguyên tắc “điểm đến” trong xây dựng pháp luật về thuế GTGT, phù hợp với nguyên tắc thông dụng được thế giới thừa nhận và áp dụng rộng rãi. Phương án 2 là bổ sung các dịch vụ được hưởng thuế suất 0%, nếu đáp ứng các điều kiện nhất định, vào Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi)”, TS. Nguyễn Thị Minh Hằng kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm