Nợ thuế vài trăm ngàn bị cấm xuất cảnh: Quy định quá cứng nhắc?

KHÔI NGUYÊN 03/06/2024 03:30

Sự việc doanh nhân bị cấm xuất cảnh khi doanh nghiệp chỉ nợ thuế vài trăm ngàn đồng đang là tâm điểm dư luận. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quy định này dù đúng nhưng quá cứng nhắc…

>>Bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế sẽ là một “vết đen” với doanh nhân, doanh nghiệp

IHIHIHHI

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quy định quy định cấm xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế vài trăm ngàn dù đúng nhưng quá cứng nhắc. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, rất nhiều chủ doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh. Nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, khi mọi kế hoạch ký kết ở nước ngoài đã lên, nhưng không được xuất cảnh.

Trong danh sách dài người đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh có đơn vị nợ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, nhưng cũng có những doanh nghiệp chỉ nợ vài trăm ngàn đồng.

Chia sẻ trên Báo Giao thông về câu chuyện của một người bạn ở trong hoàn cảnh này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, vị doanh nhân đó là đại diện pháp luật của một doanh nghiệp đã giải thể nhiều năm trước. 

Nhưng trong chuyến đi chơi cùng gia đình ở Campuchia gần đây, khi đến cửa khẩu Mộc Bài, vị doanh nhân mới tá hỏa mình bị cấm xuất cảnh do công ty còn nợ mấy trăm nghìn tiền thuế. Chuyến đi chơi của gia đình cũng vì thế phải hủy bỏ, mọi kế hoạch đều lỡ dở. "Nhiều người bạn của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có những chuyến đi châu Âu phải chi trả hàng trăm triệu hay những kế hoạch làm ăn lớn bị lỡ do không biết mình bị cấm xuất cảnh. Vậy ai phải chịu trách nhiệm?", luật sư đặt vấn đề.

Bình luận về sự việc này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: "Đó là điều không hợp lý. Việc nợ vài trăm nghìn hay vài triệu có lẽ do sơ suất, không để ý, dẫn đến phát sinh nợ từ số lẻ, chứ ít ai cố tình trốn thuế ở mức đó. Mức áp dụng nên ở ngưỡng từ chục triệu đồng trở lên". 

Theo ông Đức, cơ quan thuế phải làm cách nào đó để người thi hành quyết định biết được mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, chẳng hạn đến lần thứ 3 mà không thực hiện mới cấm xuất cảnh. 

"Việc thông báo nhắc nhở này phải có người tiếp nhận chứ không phải thông báo công khai trên phương tiện truyền thông như "bêu" tội phạm. Việc "bêu" tên chỉ là giải pháp cuối cùng. Trên thực tế, quá trình thực thi sẽ có những vướng mắc nhất định, giống như câu chuyện hoàn thuế cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chậm được hoàn thuế nhưng chưa thấy cơ quan thực thi nào bị xử lý", ông Đức nói.

>>Cấm xuất cảnh người bán hàng online nợ thuế có khả quan?

hihhih

Cơ quan thuế phải làm cách nào đó để người thi hành quyết định biết được mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, chẳng hạn đến lần thứ 3 mà không thực hiện mới cấm xuất cảnh. Ảnh minh hoạ

Nêu quan điểm xung quanh câu chuyện này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) cũng cho rằng, luật pháp phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho họ.

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách nhà nước. Nhưng trong thực thi, cần đặt vấn đề cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó đối với người nộp thuế hay chưa. Rất khó thuyết phục khi một doanh nghiệp nợ chưa tới 1 triệu đồng tiền thuế mà để lãnh đạo công ty đó bị hoãn xuất cảnh.

Thông thường, doanh nghiệp và người dân luôn luôn ngại, sợ thuế bởi họ có công cụ là các quy định pháp luật để áp dụng. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, không ai dại gì để đi nợ thuế kéo dài để bị bêu tên, lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh.”, TS. Nguyễn Minh Thảo nhận xét.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Chủ nhiệm CLB đại lý thuế, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM cho rằng, những quy định không phù hợp cần phải được điều chỉnh.

"Nên chăng trước khi áp dụng chế tài cấm xuất cảnh, cơ quan thuế cần bảo đảm đã gửi thông báo đến doanh nghiệp và doanh nghiệp đã nhận được hoặc đã có đại diện doanh nghiệp đến làm việc với cơ quan thuế về nội dung nợ thuế", ông Nghĩa đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế sẽ là một “vết đen” với doanh nhân, doanh nghiệp

    Bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế sẽ là một “vết đen” với doanh nhân, doanh nghiệp

    03:20, 31/05/2024

  • Cấm xuất cảnh người bán hàng online nợ thuế có khả quan?

    Cấm xuất cảnh người bán hàng online nợ thuế có khả quan?

    11:00, 28/02/2024

  • Đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp ở Nghệ An qua góc nhìn nợ thuế

    Đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp ở Nghệ An qua góc nhìn nợ thuế

    00:30, 31/01/2024

KHÔI NGUYÊN