Điện mặt trời mái nhà cần được thương mại hóa

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG 04/06/2024 03:30

Dự thảo Điện mặt trời mái nhà nên cho phép thương mại hóa việc phát triển điện mặt trời mái nhà theo nhu cầu thực tiễn của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp FDI, xuất khẩu…

>>Cơ chế “mở” cho điện mặt trời áp mái

 Phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là xu hướng chung và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong lộ trình giảm phát thải.

Phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là xu hướng chung và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong lộ trình giảm phát thải.

Trong bối cảnh thị trường điện hiện tại, khi phân tích các bản dự thảo cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà giai đoạn đến 2030 đang được Bộ Công Thương xây dựng thì dường như các nội hàm tại Nghị định chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát sinh và vận động của thị trường. Một trong những điểm mấu chốt xung đột trong dự thảo, đó là các quy định về xử lý sản lượng điện dư thừa của hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới khi nhu cầu tiêu dùng phụ tải không hết.

Yếu tố phi thị trường

Theo dự thảo, định nghĩa Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là ĐMTMN được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.

Với định nghĩa này được hiểu là Nhà nước sẽ không sẵn sàng tiếp nhập sản lượng dư thừa điện, và nếu có thì cũng sẽ không chi trả tiền mua sản lượng dư thừa đó. Với lập luận này thì đang có rất nhiều luồng ý kiến đánh giá yếu tố phi thị thường, độc quyền… trong nội hàm quy định này.

Dưới góc độ kỹ thuật và kinh tế thì hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới sẽ dễ triển khai và có chi phí thấp hơn so với hệ thống ĐMTMN độc lập. Tuy nhiên, hệ thống ĐMTMN nối lưới sẽ có sản lượng dư thừa điện phát lưới ngoài phần “tự tiêu” nếu không lắp đặt thiết bị chống phát ngược.


Sự lựa chọn tương lai

Nhìn vào biểu đồ tương quan phụ tải quốc gia ngày 06/05/2024 cho thấy 2 khung giờ đáng lưu ý đối với hoạt động của điện mặt trời nối lưới: 11h-13h và 17h-18h. Tại khung giờ 11h-13h, khi hệ thống điện mặt trời hoạt động tối đa thì nhu cầu phụ tải đỉnh lại có xu hướng giảm và ngược lại đối với khung giờ 17-18h, phụ tải đỉnh lên cao, nhưng công suất điện mặt trời lại tiệm cận bằng 0.

Bên cạnh đó, với đặc thù ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến công suất hoạt động của tấm quang điện, hệ thống điện mặt trời có quy mô tập trung càng lớn thì càng gây ra sự bất ổn lớn cho hệ thống điện khu vực và quốc gia. Và như vậy, nếu tăng quy mô công suất điện mặt trời thì EVN phải dự phòng những nguồn điện chạy nền ổn định tương ứng. Đó cũng là sự đánh đổi dưới góc độ kinh tế mà EVN và MIOT phải đưa ra đáp án tối ưu của bài toán nhiều mục tiêu: đảm bảo tình hình cung ứng điện, đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định của hệ thống và tự do hóa thị trường bán lẻ điện hướng tới các cam kết đối với cộng đồng quốc tế.

Điện mặt trời sẽ là sự lựa chọn bổ sung và tiến tới thay thế khi đi kèm hệ thống lưu trữ. Đó sẽ là sự lựa chọn tương lai của các hộ gia đình và các đơn vị tiêu thụ điện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của mình. Tạo ra cơ chế để khuyến khích theo quy luật thị trường - thiết nghĩ những nhà tham mưu ban hành chính sách của Bộ Công Thương cần có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này.

Khuyến nghị chính sách

Một là, truyền thông và hướng dẫn cách tính toán, xây dựng định mức để các hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMTMN phù hợp với số tiền tiêu thụ điện hàng tháng và tập quán tiêu thụ điện của mỗi gia đình.

Hai là, nên cho phép thương mại hóa việc phát triển ĐMTMN theo nhu cầu thực tiễn của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp FDI, xuất khẩu… cần có tỷ trọng sử dụng năng lượng sạch nhất định. Cho phép triển khai mô hình ESCO đối với những doanh nghiệp không có khả năng, nguồn lực để đầu tư, vận hành các hệ thống ĐMTMN.

Ba là, sớm xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong phạm vi nhỏ. Khuyến khích các nhà đầu tư mô hình quản lý lưới điện thông minh (smart grid) để hướng tới phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Bốn là, tạo cơ chế khuyến khích về giá cho sản lượng dư thừa điện phát lưới đối với các hệ thống điện mặt trời có lắp đặt hệ thống lưu trữ (Bess). Mức giá xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo cân đối với chi phí xây dựng hệ thống quản lý, vận hành của EVN cho nghiệp vụ phát sinh.

Năm là, cần hình thành một thị trường mua bán điện cạnh tranh ở cả phía thị trường bán buôn và bán lẻ để các công ty điện lực tại các địa phương có thể có hình thức kinh doanh mua bán điện từ các bên phát điện, mua điện và cân đối các nguồn bán, nguồn phát một cách hợp lý từ góc độ kinh doanh, đồng thời qua đó khuyến khích được sự phát triển của lưới điện phân tán ở góc độ địa phương. EVN chỉ nắm các trục lưới chính để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng phải được hoạt động theo cơ chế thị trường với chi phí truyền tải được tính đúng, tính đủ để làm cơ sở cho quá trình phát triển lưới điện chính.

Có thể bạn quan tâm

  • Điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu”: Cân nhắc phương án khả thi

    11:20, 12/05/2024

  • Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà

    04:00, 07/05/2024

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG