Số phận nào cho hơn 1,3 triệu khối cát nào vét sông Cổ Cò tại Quảng Nam?
Đến hiện tại, tỉnh Quảng Nam vẫn đang trong quá trình loay hoay với phương án đấu giá đối với khối lượng cát nạo vét sông Cổ Cò, TP. Hội An.
>>Quảng Nam làm gì để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 100%?
Mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án đấu giá chi tiết vật liệu cát đổ nền sau nạo vét dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP. Hội An.
Sau khi xem xét Tờ trình của Ban, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung phương án đấu giá chi tiết vật liệu cát đổ nền sau nạo vét, rà soát, kiểm tra, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan theo yêu cầu cho Sở Tài chính.
Vào tháng 5/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã chủ trì cuộc họp bàn việc bán vật liệu (cát) sau nạo vét dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Tại đây, ông Bửu yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện việc bán đấu giá vật liệu (cát) sau nạo vét Dự án theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.
Đồng thời, đơn vị này cần khẩn trương rà soát lại các nội dung chưa phù hợp (nếu có) trong phương án đấu giá đã duyệt để hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục liên quan theo quy định. Ngoài ra, có thể nghiên cứu việc có thể phân chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa, hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá đảm bảo tính khả thi, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án đấu giá đã duyệt.
“Về giá khởi điểm, giao Ban Giao thông làm việc với đơn vị tư vấn khảo sát thị trường, xác định giá và ban hành Chứng thư thẩm định giá khởi điểm đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành về thẩm định giá và các quy định có liên quan, gửi Sở Tài chính chủ trì, mời Hội đồng thẩm định giá nhà nước họp để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức đấu giá theo quy định. Đồng thời với việc tổ chức bán đấu giá, Ban Giao thông có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng vật liệu (cát) sau nạo vét của Dự án để phục vụ các công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định”, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu.
Đối với trường hợp đã tổ chức đấu giá tiếp nhưng vẫn không thành, ông Bửu giao nhiệm vụ cho Ban Giao thông có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp cụ thể thực hiện bán đấu giá vật liệu (cát) trong thời gian đến để trình cấp thẩm quyền xin ý kiến tổ chức thực hiện theo quy định. Sở Tài chính Hướng dẫn Ban Giao thông hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để tổ chức triển khai thực hiện việc đấu giá vật liệu (cát) sau nạo vét của Dự án theo đúng quy định.
Ngoài ra, ông Bửu cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ Ban Giao thông trong quá trình triển khai thực hiện đấu giá, hỗ trợ quản lý bãi tập kết vật liệu đảm bảo không thất thoát và không ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân khu vực lân cận. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
“Đề xuất nhu cầu sử dụng vật liệu (cát) sau nạo vét của Dự án để phục vụ cho các công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, gửi Ban Giao thông tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định”, ông Hồ Quang Bửu lưu ý.
Với đơn vị tư vấn là Công ty TNHH FAC - Chi nhánh miền Trung, ông Bửu yêu cầu đơn vị tư vấn có trách nhiệm thực hiện khảo sát thị trường và ban hành Chứng thư thẩm định giá khởi điểm đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành về thẩm định giá và các quy định có liên quan, gửi Ban Giao thông kiểm tra, xem xét, nghiệm thu theo Hợp đồng làm cơ sở đề xuất Sở Tài chính chủ trì mời họp thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP. Hội An được tỉnh Quảng Nam phê duyệt năm 2018, khởi công vào tháng 7/2020. Theo Quyết định phê duyệt, gói thầu thi công có giá trị hơn 430 tỷ đồng.
Trong quá trình thi công dự án, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở lập phương án quản lý, tận thu nguồn vật liệu sau nạo vét sông Cổ Cò trình tỉnh quyết định. Vào năm 2021, tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá nguồn vật liệu sau nạo vét của dự án.
Tiếp đến, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam đã ký hợp đồng với Công ty TNHH tư vấn - kiểm định Á Châu xác định chất lượng, chuẩn loại vật liệu thực tế thu hồi sau nạo vét và Công ty TNHH kiểm toán FAC chi nhánh miền Trung khảo sát, thẩm định và cấp chứng thư thẩm định giá.
Sau khi được tỉnh phê duyệt giá khởi điểm vào năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện bán đấu giá vật liệu (cát) với khoảng 1,3 triệu m3, giá khởi điểm từ 144.000 đồng/m3. Thế nhưng qua hai lần thông báo bán đấu giá thì không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá dẫn đến việc tổ chức bán đấu giá không thành.
Tại báo cáo của Công ty QAC, doanh nghiệp này cho rằng nguyên nhân đấu giá không thành là do khối lượng đấu giá một lần quá lớn, sau khi trúng đấu giá phải nộp ngay một khoản tiền lớn (gần 200 tỉ đồng) nên không đủ khả năng tài chính và bến bãi để chứa số lượng cát trên nếu khi trúng đấu giá. Đồng thời, nhiều đơn vị cũng quan ngại về đường vận chuyển khó khăn từ bãi chứa ra đường lớn.
Có thể bạn quan tâm