Khắc phục tồn tại trong công tác tuyên truyền biển, đảo

LAM SONG 04/06/2024 09:41

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ những đánh giá về những hạn chế trong công tác giáo dục pháp luật về biển đảo.

đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Trong Báo cáo số 124 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề cập đến những kết quả trong công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những đánh giá về những hạn chế trong công tác giáo dục pháp luật về biển đảo đồng thời Bộ trưởng có giải pháp gì để công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo ngày càng thiết thực, hiệu quả?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh về giáo dục pháp luật về biển đảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Tài nguyên biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ TNMT phối hợp với Bộ NNPTNT và các địa phương cố gắng phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản.

Về việc đánh bắt trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với ý kiến của đại biểu Hồng Hạnh là công tác phổ biến pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền.

Vừa qua để bảo vệ Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TNMT đã phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Đồng thời cần kịp thời kiểm tra, giám sát các sai phạm. Ban Bí Thư cũng đã giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định. Về vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ TNMT đã phối hợp với Bộ NNPTNT tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định. 

“Quy hoạch thủy sản vừa qua đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.

Phiên chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 4/6/2024

Phiên chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 4/6/2024

Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền quốc gia trên biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

Trước sau như một, chủ trương giải quyết của Việt Nam là: “Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành dựa trên cơ sở của UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, tại các vùng biển được xác lập theo công ước. Việt Nam mong các nước sẽ nỗ lực đóng góp, thực hiện mục tiêu, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về biển, đảo. Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định các mục tiêu tổng quát như: đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương...

Đảng ta cũng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Theo đó, phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Có thể bạn quan tâm

  • “Mắt thần” bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc

    03:30, 31/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ V): Những chàng trai đi về phía bình minh

    05:00, 23/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ IV): Để biển, đảo thêm xanh

    05:00, 22/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ III): Nhà giàn DK1 – Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

    05:00, 21/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ II): Trường Sa vững vàng giữa biển Đông

    05:00, 20/05/2024

  • Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ I): Những khúc tưởng niệm nơi đầu sóng, ngọn gió

    03:58, 19/05/2024

LAM SONG