Tiền Giang: Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh
Ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang xây dựng và phát triển kho dữ liệu du lịch tích hợp, phục vụ đồng thời cho 4 đối tượng: Khách du lịch, người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Xây dựng nền tảng số, phát triển du lịch thông minh hướng tới cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, du lịch bất động sản, du lịch môi trường… là một trong những đột phá của ngành du lịch Tiền Giang trong thời gian tới.
Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Tiền Giang 1.399.774 lượt, đạt 12% kế hoạch, tăng 58% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 466.415 lượt, vượt 86% kế hoạch, tăng 4,7 lần so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 7.464 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ (trong đó doanh thu trực tiếp từ du lịch 970 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ). Với nền tảng đã có, Tiền Giang phấn đấu năm 2024 thu hút 1 triệu 650 ngàn lượt khách; trong đó, có 550 ngàn lượt khách quốc tế. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 8.210 tỷ đồng (trong đó doanh thu trực tiếp từ du lịch 1.250 tỷ đồng).
Xây dựng hạ tầng số
Một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch Tiền Giang những năm gần đây chính là sự bùng nổ của các ứng dụng di động và mạng xã hội cũng tác động tích cực đến phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin du lịch của du khách; đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch. Du lịch thông minh đang trở thành một xu hướng tất yếu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm đến.
Trên thực tế, ngay từ năm 2019, Tiền Giang đã ứng dụng nền tảng công nghệ để phát triển du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, truyền thông quảng bá theo xu hướng hiện đại thông qua bộ sản phẩm du lịch thông minh gồm: cổng thông tin du lịch (dulich.tiengiang.gov.vn) và ứng dụng tiengiangtourist.vn với khoảng trên 56 ngàn lượt khách truy cập hàng tháng; ứng dụng trên điện thoại thông minh (TienGiang Tourism cung cấp thông tin chuẩn xác về các dịch vụ du lịch, địa điểm du lịch, địa điểm nghỉ ngơi, các điểm đến vui chơi giải trí, văn hóa, lịch sử… trong tỉnh, các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị, họp báo…; lắp đặt 77 thiết bị phát sóng wifi tại 29 điểm du lịch và di tích giúp du khách dễ dàng tiếp cận các thông tin về du lịch của tỉnh.
Để phát triển du lịch thông minh một cách hiệu quả, trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang tiếp tục xây dựng và phát triển kho dữ liệu du lịch tích hợp, phục vụ đồng thời cho 4 đối tượng: Khách du lịch, người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Song song đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông minh; tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin du lịch Tiền Giang và các ứng dụng trong bộ sản phẩm du lịch thông minh của tỉnh; xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch thông qua việc tận dụng tối đa công nghệ 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh, thông tin nhanh chóng về các sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mại… đến người dân và du khách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tiếp cận đối tác trong và ngoài nước.
Đặc biệt là tăng cường quảng bá thông tin trên các trang mạng xã hội: Tiktok, Youtube, Facebook, Twitter, Instagram, Google map...
Ba đột phá chiến lược
Trong chiến lược phát triển, mục tiêu của Tiền Giang đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế thực sự quan trọng của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang.
Về chỉ tiêu, đến năm 2030, Tiền Giang đón trên 3,1 triệu lượt khách, tăng bình quân khoảng 8,1%; trong đó, có khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 14,2%. Có khoảng 470 cơ sở lưu trú, với 12.500 phòng. Có ít nhất 41.800 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 9.700 lao động trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu đó Tiền Giang sẽ tập trung vào ba đột phá: Thứ nhất là xây dựng ba trụ cột sản phẩm của Tiền Giang gồm: Trụ cột du lịch văn hóa - lễ hội: khai thác các giá trị văn hóa nổi bật của Tiền Giang, trong đó các lễ hội sẽ là điểm hấp dẫn và nâng tầm cho điểm đến. Trụ cột du lịch sinh thái là sản phẩm nền tảng phù hợp với xu hướng: xanh - sạch - bền vững. Hai sản phẩm chính là du lịch miệt vườn sông nước, văn hóa ẩm thực, nông nghiệp OCOP và du lịch sinh thái đa dạng sinh học Mê Kông, bao gồm vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, vùng ven sông Tiền và du lịch biển. Trụ cột du lịch biển: hướng đến các dịch vụ cao cấp, chất lượng cao: thể thao (golf); nghỉ dưỡng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Thứ hai là xây dựng nền tảng du lịch số, hướng tới nhóm du mục kỹ thuật số toàn cầu, hướng tới cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, du lịch bất động sản, du lịch môi trường trên nền tảng công nghệ số phục vụ nhóm khách quốc tế có thu nhập cao, nhóm tham gia các sáng kiến xanh toàn cầu. Áp dụng công nghệ số trong việc quảng bá, bán hàng và tổ chức du lịch. Đặc biệt nhấn mạnh những hình thức quản lý du lịch số như ABNB, mua chung bán chung, tổ chức những tour du lịch qua mạng, dùng chung xe, tracking du khách đang đi trên những cung đường nào để điều phối lượng khách tối ưu trên toàn vùng.
Thứ ba, tập trung phát triển lĩnh vực du lịch, với trọng tâm là du lịch biển, du lịch sông Tiền và đô thị cổ Mỹ Tho. Trong đó đặc biệt phát triển tuyến du lịch quốc tế và bất động sản du lịch.
Có thể bạn quan tâm