ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Đấu giá khai thác khoảng sản là nguyên tắc cơ bản trong cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. Vậy, trong thời gian qua, vấn đề này được thực hiện như thế nào?
>>Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngày 4/6.
Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua, vấn đề này được thực hiện như thế nào? Đồng thời cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản như nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tiền cấp quyền khai thác thực hiện theo Luật Khoáng sản, sau 13 năm thực hiện chính sách này đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cũng như trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giấy phép. “Tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Vẫn theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong quá trình thực hiện cũng có một số bất cập như đại biểu băn khoăn đó là tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động.
Bởi, khi điều tra cơ bản địa chất phục vụ khai thác khoáng sản, nhưng có nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối. Tiền cấp quyền được tính trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khoáng sản nên độ chính xác tương đối.
“Vì vậy, trong dự thảo Luật Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu theo hướng, tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
>>Cần luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản
>>Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) về đấu giá quyền khai thác, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết quan điểm là tăng đấu giá khai thác, tăng thu tối đa nguồn ngân sách việc sử dụng tài nguyên về khoáng sản.
“Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá những nội dung bất cập để có kiến nghị sửa đổi, đảm bảo tính minh bạch, phù hợp trong đấu giá quyền khai thác tài nguyên về khoáng sản….”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ.
Phát biểu tranh luận luận về vấn đề này, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) nêu, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng cho biết việc đấu giá còn phụ thuộc vào quy định về các khu vực cấp phép khai thác không thông qua đấu giá vì liên quan đến quốc phòng, an ninh và các quy định cụ thể khác.
Theo Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá.
Mặc dù sau đấu giá, giá tăng 20 – 40% so với giá khởi điểm. Như vậy, tỉ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp, dù hiệu quả cao hơn. Đại biểu Trần Hữu Hậu đặt câu hỏi, vậy Bộ trưởng có chắc chắn hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác thông qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?
Trả lời của Bộ trưởng về nội dung này còn cho biết, sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đại biểu tiếp tục nêu câu hỏi, một số doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò, có đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa thể đưa vào khai thác.
“Vậy, chúng ta có thể thực hiện được đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội và khai thác góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản cho phát triển đất nước hay không?”, đại biểu Trần Hữu Hậu đặt câu hỏi.
Liên quan đến việc cần thiết phải đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản cũng như việc tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, Bộ trưởng chưa đề cập đến thực trạng thực hiện việc đấu giá hiện nay.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, còn nhiều tồn đọng trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm, nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Do đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn thực trạng, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm khắc phục những hạn chế tiêu cực của những vấn đề trên nhằm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Việt Nam ước tính có khoảng hơn 20 triệu tấn trữ lượng đất hiếm Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua? Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hiện nay Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng quan trọng tương đối lớn. Trong đó, bôxit khoảng 5,8 tỉ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn. Với đất hiếm, bộ đã đánh giá trữ lượng khoảng 2,7 triệu tấn và tài nguyên đất hiếm khoảng 18 triệu tấn, như vậy, khoảng 20,7 triệu tấn. Theo bộ trưởng, hiện Thủ tướng đang giao cho bộ có đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng tổng thể đất hiếm, sau đó, báo cáo Thủ tướng. Bộ trưởng khẳng định quan điểm việc khai thác, chế biến khoáng sản có tính chiến lược như đất hiếm phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam, phục vụ cho công nghiệp Việt Nam như đang thu hút công nghiệp chip, bán dẫn. Nếu chế biến sâu, đất hiếm sẽ phục vụ cho Việt Nam và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo bộ trưởng với đất hiếm trước đây, việc chế biến chưa được nghiên cứu tổng thể, chưa có chế biến sâu. Việc thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ còn khó. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi đánh giá trữ lượng đất hiếm chính xác thì yêu cầu phải chuyển giao công nghệ, cố gắng chế biến sâu, phục vụ phát triển đất nước… Trong quá trình này, yêu cầu bộ, ngành, các địa phương có tiềm năng đất hiếm là Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai phải tăng cường quản lý đất hiếm. Cũng theo bộ trưởng, đất hiếm này có khu vực thân mỏ sâu nhưng có khu vực phân tán nhỏ lẻ, phân tán ở bề mặt nên phải quản lý tránh khai thác, buôn bán trái phép. |
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch
02:30, 30/05/2024
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt
16:02, 29/05/2024
Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm
09:40, 29/05/2024