Ngập úng tại các đô thị do đâu?

NGUYỄN VIỆT 04/06/2024 14:41

Quy hoạch của chúng ta chủ yếu phát triển đô thị, hạ tầng, dịch vụ, dân cư nhưng chưa có định hướng lâu dài nên đã dẫn đến ngập úng tại các khu đô thị thời gian qua.

>>ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ngày 4/6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận cho biết, trong những nguyên nhân gây ra ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn là các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ ra là quá trình phát triển đô thị, đô thị hoá chúng ta đã lấp ao, hồ tự nhiên.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nhìn nhận quy hoạch trước đây chưa được bài bản, chưa có đánh giá tác động môi trường. Theo người đứng đầu Bộ TN&MT, ao, hồ là để điều tiết, giữ, tích trữ nước khi mưa lớn. Ao, hồ còn là cảnh quan môi trường trong đô thị.

Một nguyên nhân nữa cũng được Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu ra là hệ thống quy hoạch thoát nước chưa đồng bộ. Muốn chống ngập ở các đô thị thì phải đồng bộ.

"Trong các khu đô thị mới, khu phát triển mới tôi rất mong muốn có nhiều ao, nhiều hồ, vừa cảnh quan và là nơi tích trữ nước khi mưa lớn. Chúng ta phải nghiên cứu quy hoạch, xây dựng bài bản, trong đó đề nghị nâng cấp hệ thống thoát nước của các khu đô thị, đặc biệt các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.

>>Khoanh vùng để dự trữ khoáng sản quốc gia

>>Đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển

đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận.

Trả lời về vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao hồ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, tình trạng này diễn ra phức tạp do một số nguyên nhân, như tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống.

Công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị, việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra... dẫn đến là cản trở dòng chảy thoát nước. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Thứ nhất, là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn. Luật Cấp thoát nước cũng như Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.

Thứ hai, là nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Thứ ba, là tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.

Thứ tư, là tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị. 

Liên quan đến vấn đề dùng cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, về vật liệu thay thế Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành và chuyển các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như là các định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý sử dụng tro sỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng bao gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch

    02:30, 30/05/2024

  • Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt

    16:02, 29/05/2024

  • Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm

    09:40, 29/05/2024

  • Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Trình Quốc hội 2 phương án về BHXH một lần

    11:21, 28/05/2024

NGUYỄN VIỆT