“Siết” thuế kinh doanh online thế nào?

KHÔI NGUYÊN 05/06/2024 03:30

Kinh doanh online đang “nở rộ” đến mức ai cũng có thể lập một kênh để mua bán, nhưng vấn đề nộp thuế ra sao, chất lượng, xuất xứ hàng hóa thế nào vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp…

Theo đó, tại họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với thương mại điện tử nói chung. Cụ thể, cá nhân có doanh thu và thu nhập từ hoạt động này sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn hộ kinh doanh gia đình thực hiện theo thuế khoán hoặc kê khai thuế định kỳ.

Theo Bộ Tài chính, các hình thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn. “Giải pháp này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội. Sẽ chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế, thay vì hàng chục nghìn cá nhân" – đại diện Bộ Tài chính cho hay.

>>Đề xuất sàn thương mại điện tử phối hợp để “đánh” thuế kinh doanh online

HIIHIHIH

Các hình thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng đa dạng, để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp. Ảnh minh hoạ

Theo giới chuyên gia, để quản lý thuế đối với thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, để người kinh doanh online không "né" được thuế, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngân hàng, cơ quan thuế, quản lý thị trường… Nếu chủ thể kinh doanh cố tình chây ỳ, không kê khai, không nộp thuế đầy đủ thì phải có chế tài, phạt thật nặng, thậm chí không cho phép kinh doanh. Làm thật chặt như vậy thì việc quản lý thuế ở loại hình thương mại điện tử mới phát huy hiệu quả.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME Law cho rằng, thay vì né nộp thuế thì các cá nhân, đơn vị kinh doanh online nên chủ động nộp thuế vì cơ quan quản lý hiện này có thể kiểm tra và phát hiện bằng nhiều cách: thông qua các đơn vị giao hàng, các sàn thương mại điện tử, yêu cầu người kinh doanh online in sao kê tài khoản và tài khoản giao dịch càng nhiều thì bị cơ quan quản lý mời lên giải trình.

Cụ thể hơn, Nghị định số 91 năm 2022 của Chính phủ đã quy định, các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế định kỳ hằng quý thông qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, thời hạn chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Chính vì vậy mà những người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử khó có thể né được việc nộp thuế.

Kinh doanh và nộp thuế là chuyện không có gì phải bàn cãi nhưng thực chất người kinh doanh ở Việt Nam chưa nắm bắt được các quy trình nộp thuế nên các cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn quy trình cho người dân tại các địa phương thì sẽ nâng cao được tính tự giác, tránh thất thu thuế của Nhà nước”, luật sư Tuấn chia sẻ.

>>“Lỗ hổng” trong quản lý kinh doanh online: Ai là người chịu thiệt?

IHIHIH

Kinh doanh và nộp thuế là chuyện không có gì phải bàn cãi nhưng thực chất người kinh doanh ở Việt Nam chưa nắm bắt được các quy trình nộp thuế nên các cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn quy trình cho người dân tại các địa phương. Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, việc thất thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có cá nhân livestream bán hàng là có. Chúng ta biết rằng thương mại điện tử hay bán hàng online thời gian qua có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp cho tính mới và phổ biến của nó.

Vì kinh doanh online họ có thể chào hàng, bán hàng trên nhiều trang mạng điện từ với những tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian liestream thì chúng ta chẳng biết họ là ai nữa. Nó không phải là các sàn thương mại điện tử mà nhà mạng có thể dễ dàng quản lý. Do vậy cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Đồng thời, cũng cần có các hình thức tuyên truyền, biểu dương các cá nhân nộp thuế cao cũng như nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe.

Để việc thu thuế không gây ảnh hưởng lớn đến người lao động, ông Thịnh đề xuất những người kinh doanh nghề mang tính chất "tay trái" có thu nhập không đáng kể thì chúng ta không phải đánh thuế những đối tượng này, hay mục đích đánh thuế không nên hướng đến những người này. Đồng thời những người kinh doanh lớn dựa trên mức độ doanh thu khoảng 100 triệu/năm trở lên thì những đối tượng này buộc phải đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế theo quy định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để quản lý thuế đối với thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng. Với sự phối hợp giữa nhà mạng, các sàn thương mại điện tử, trên cơ sở đó, cơ quan thuế, Bộ Công thương, Bộ Công an sẽ làm việc để tìm ra người bán hàng đó là ai, như thế nào, có đúng không. Đồng thời kết hợp với ngân hàng trong việc chuyển tiền vào tài khoản những người kinh doanh online. Rồi kết hợp với nhà vận chuyển, shipper nhận tiền trực tiếp thì chúng ta dần có được một kho dữ liệu về những người kinh doanh.

"Chính quyền địa phương họ nắm được hết trên địa bàn có những ai kinh doanh online. Cho nên, nếu có sự kết hợp giữa các bên, từ đó việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử nói chung và bán hàng trực tuyến nói riêng sẽ dần dần đi vào nề nếp, văn minh, hiện đại phù hợp với xã hội văn minh và với những công cụ hiện đại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Có thể bạn quan tâm

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 7 – “Tung chiêu”p/“né” thuế

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 7 – “Tung chiêu” “né” thuế

    03:50, 27/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 6 – Quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 6 – Quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo

    03:00, 24/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 5 – “Bêu xấu”… “dìm” đối thủ

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 5 – “Bêu xấu”… “dìm” đối thủ

    03:30, 21/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”

    03:10, 17/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng

    03:20, 14/04/2024

  • “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

    “Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền

    03:00, 13/04/2024

KHÔI NGUYÊN