Sáng nay, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn Quốc hội

NGUYỄN VIỆT 05/06/2024 02:30

Sáng 5/6, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ “đăng đàn” trả lời chất vấn Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.

>>Quản lý livestream bán trăm tỷ đồng mỗi ngày cách nào?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội từ 9h sáng 5/6 đến 15h chiều cùng ngày.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trước đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung quan trọng được Tổng Kiểm toán báo cáo là “việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước”.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm. “Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực”, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Cụ thể, đến hết năm 2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 31.719 tỷ đồng đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác hơn 30.566 tỷ đồng đạt tỷ lệ 83%. Với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm gần 10.303 tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thông tin, số kiến nghị chưa thực hiện đến hết năm 2023 hơn 67.513 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa thực hiện từ đơn vị được kiểm toán gần 39.804 tỷ đồng chiếm 59%; thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước hơn 283 tỷ đồng; nhóm nguyên nhân thuộc bên thứ 3 hơn 16.591 tỷ đồng chiếm 24,6 % và nguyên nhân khác gần 10.835 tỷ đồng.

Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, mới có 68/183 báo cáo kiểm toán đã được các đơn vị thực hiện. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm.

Cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, tập trung vào một số nguyên nhân chưa thực hiện.

Cùng đó là nghiên cứu cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán thu hồi hoàn trả, giảm chi ngân sách trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự...

>>Sẽ có giải pháp nguyên vật liệu cát cho các dự án

>>ĐBQH “truy” đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, ông Ngô Văn Tuấn cho biết Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị có liên quan để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Việc này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành.

Tăng cường các cuộc thanh tra công vụ, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất các cuộc kiểm toán. Đồng thời, triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, kê khai thu nhập, tài sản của công chức và trong công tác cán bộ theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. “Nhìn chung, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đề ra”, ông Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là vai trò của thủ trưởng đơn vị ở từng cấp quản lý trong hoạt động kiểm toán, nhằm tăng cường phát hiện và ngăn chặn tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.

Đề cập thời gian tới, ông Tuấn nhấn mạnh giải pháp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực

“Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán”, ông Ngô Văn Tuấn nêu trong báo cáo gửi Quốc hội.

Ngoài ra, Kiểm tra Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát phạm vi, giới hạn kiểm toán; xử lý nghiêm trường hợp kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu ngoài phạm vi, giới hạn theo kế hoạch kiểm toán và kế hoạch kiểm tra, đối chiếu được duyệt...

Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ “giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán”.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo ông Tuấn, về cơ bản kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước trước khi được ban hành đã được lấy ý kiến của các bộ ngành, các đại biểu Quốc hội, xử lý chồng chéo với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan để đảm bảo kế hoạch kiểm toán khi ban hành không trùng lắp nhiệm vụ với các cơ quan khác.

Quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán phát sinh trùng lắp, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra để xử lý, thực hiện đúng nguyên tắc, yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 75 “xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.

Thời gian tới, ông Tuấn cho biết sẽ tiếp tục chủ động phối hợp hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước sẽ trao đổi thông tin kịp thời về kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán ngay từ đầu năm; công khai kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra hàng năm.

Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước; của thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực, chuyên ngành theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp giảm giá vé máy bay, kích cầu du lịch

    02:30, 30/05/2024

  • Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt

    16:02, 29/05/2024

  • Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm

    09:40, 29/05/2024

NGUYỄN VIỆT