Phát triển đảo du lịch sinh thái không khí thải: Các quốc gia đã đi tới đâu?
Đảo Princes, quần đảo hoang sơ cách Istanbul một giờ đi tàu là thiên đường bị lãng quên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài dịch vụ thiết yếu, trên đảo không hề có xe chạy bằng xăng. Không gian im lặng chỉ bị phá vỡ bởi âm thanh xe đạp điện, hải âu và tiếng kéo vali...
Lo ngại quá tải, ô nhiễm môi trường nên hiện nay du lịch sinh thái được xem là “chìa khóa” phát triển ngành công nghiệp không khói tại các hòn đảo.
Đề cao “trách nhiệm” của du khách
Du lịch sinh thái là một trong những hình thái phát triển nhanh nhất hiện nay. Dù có nhiều định nghĩa, nhưng theo giới chuyên gia, bản chất của du lịch sinh thái là tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng sở tại với mục đích bảo tồn. Dẫu vậy, còn không ít hiểu nhầm liên quan đến lĩnh vực này, như việc coi du lịch sinh thái là du lịch nguyên thủy, hoang sơ...
Thực tế, việc phát triển du lịch sinh thái được đẩy mạnh thông qua quy hoạch thông minh, thậm chí áp dụng cả những quy định hà khắc. Đây là hướng đi của nhiều điểm đến trên thế giới, đặc biệt tại các hòn đảo.
Tại Nhật Bản, nhiều hòn đảo cân nhắc thu thuế tham quan để giảm quá tải du lịch. Bắt đầu từ tháng 10/2023, thành phố Hatsukaichi thuộc tỉnh Hiroshima áp thuế đối với du khách đến đảo Miyajima, nơi có đền Itsukushima, một di sản UNESCO. Các hòn đảo khác thu hút lượng lớn khách du lịch, như Taketomi ở tỉnh Okinawa và Sado ở tỉnh Niigata, cũng đang dự tính áp dụng loại thuế tương tự. Những khoản thuế này nhằm mục đích bảo đảm kinh phí để quản lý lượng khách du lịch khổng lồ đồng thời tái đầu tư.
Chính quyền đảo Jeju (Hàn Quốc) nỗ lực áp thuế du lịch sinh thái để hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường. Những người thuê xe hơi sẽ bị tính thêm 5.000 won còn thuê xe mini van là 10.000/ ngày. Khách du lịch thuê xe buýt sẽ bị tính 5% phí thuê.
Doanh thu từ thuế được dùng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường và nước thải ngày càng tăng của hòn đảo, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước làn sóng hơn 10 triệu du khách đổ về hàng năm.
Còn ở Pháp, 80% hoạt động du lịch chỉ tập trung vào 20% lãnh thổ. Do đó, các ngành chức năng nước này đã xây dựng chương trình quảng bá nhằm thúc đẩy du lịch 4 mùa. Đồng thời, quốc gia này cũng đang đặt ra nhiều hạn chế với các điểm đến.
Hạn chế khói xe, áp dụng sáng kiến mới về năng lượng
Nhìn chung, động thái của nhà chức trách đa phần đến từ quan điểm cho rằng nội hàm du lịch sinh thái là tập trung vào trách nhiệm của con người với môi trường. Một trong số đó là ảnh hưởng của khí thải do con người tạo ra. Để khắc phục điều này, nhiều hòn đảo đã lên kế hoạch nói “không” với ô tô hay khói xe cơ giới.
Chẳng hạn, La Graciosa - hòn đảo nhỏ ngoài khơi Lanzarote, Tây Ban Nha không có đường giao thông nhưng du khách có thể đạp xe, đi bộ bên những bãi biển đẹp và khám phá một số nhà hàng thơ mộng dọc bờ biển. Hay đảo Princes, quần đảo hoang sơ cách Istanbul một giờ đi tàu là thiên đường bị lãng quên của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài dịch vụ thiết yếu, trên đảo không hề có xe chạy bằng xăng. Không gian im lặng chỉ bị phá vỡ bởi âm thanh xe đạp điện, hải âu và tiếng kéo vali...
Trong khi đó, Đảo Lamma, Hồng Kông (Trung Quốc) luôn nằm trong top hòn đảo không khói xe oto đáng để khám phá bậc nhất thế giới. Chỉ cách Hồng Kông một chuyến phà, không phải tự nhiên mà Lamma được mệnh danh là "hòn đảo thiên đường" của đảo quốc nổi tiếng. Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, tại đây mọi người dân và du khách hoàn toàn di chuyển bằng xe đạp hoặc đi bộ.
Và khi nói đến đảo Lamma, không thể không nhắc đến như một biểu tượng, nhà máy điện gió Lamma Style nằm trên đỉnh đồi ở đảo Lamma, là cơ sở sản xuất điện năng tái tạo đầu tiên tại Hồng Kông, thu hút nhiều người đi bộ và người yêu thích nhiếp ảnh đến đây để check-in. Nơi đây sản xuất trung bình 1 triệu kWh điện xanh mỗi năm, giúp giảm lượng khí CO2 thải ra 800 tấn mỗi năm.
Sở hữu giải pháp năng lượng ấn tượng không kém là đảo Tau thuộc quần đảo Samoa của Mỹ. Hiện, đảo đã tự loại bỏ các máy phát điện sử dụng nhiên liệu truyền thống, chuyển sang sử dụng pin năng lượng mặt trời khổng lồ, đáp ứng gần như 100% nhu cầu năng lượng của người dân trên đảo.
Những “hòn đảo được chọn”
Rõ ràng, chiến lược phát triển du lịch sinh thái bằng ý tưởng quy hoạch, quản lý thông minh đang tạo ra hiệu ứng đáng kể đối với các điểm đến. Dẫu vậy, mỗi quốc gia đều tìm cách “chọn mặt gửi vàng”, dành sự ưu tiên cho những hòn đảo xinh đẹp, sở hữu hệ tài nguyên đa dạng, phong phú.
Việt Nam với 11 Khu dự trữ Sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, có những điểm đến cần được đặt trọng tâm nghiên cứu, quy hoạch bài bản để trở thành điểm du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế như đảo Cát Bà.
Là 1 trong 3 hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 150 km2, Cát Bà từ lâu được xem là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu miền Bắc với những bãi biển cát trắng nước sâu trong vắt, ẩn khuất sau các núi đá vôi và rừng cây nguyên sinh. Ngoài ra, Cát Bà còn sở hữu nguồn khoáng nóng tự nhiên giá trị. Du khách quốc tế thích khám phá Cát Bà với hệ sinh thái đa dạng, phong phú với núi, rừng, biển vô cùng kỳ vĩ, nên thơ.
Vườn quốc gia Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004. Gần 20 năm sau, cùng với vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội phát triển du lịch rất lớn cho hòn đảo này.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Cát Bà sẽ phát triển trở thành đảo “Ngọc Bích” nơi du khách sẽ có những trải nghiệm tốt nhất về các giá trị sinh thái - cảnh quan toàn cầu; nơi nỗ lực bảo tồn sẽ được hỗ trợ bởi những công nghệ “xanh” hiện đại và những hoạt động dựa trên nguyên tắc của du lịch bền vững mà nòng cốt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Từ tham vọng lớn tới những giải pháp quy hoạch cho Cát Bà đang là trăn trở của nhà chức trách, người làm du lịch Hải Phòng. Trong bối cảnh du lịch sinh thái vẫn chưa thực sự phát triển bài bản tại Việt Nam, mỗi câu chuyện, kinh nghiệm quốc tế đều có thể là một gợi ý đáng giá cho “đảo ngọc” của miền Bắc.