Kiến nghị sửa đổi văn bản còn chậm so với yêu cầu

NGUYỄN VIỆT 05/06/2024 12:01

Việc thực hiện kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan.

>>Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không phải đối tượng kiểm toán

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) về vấn đề kiểm toán cơ chế chính sách, đã kiến nghị hủy bỏ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách với 270 nội dung nhưng các cơ quan mới thực hiện 90 nội dung, ngày 5/6.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, giai đoạn 2019 - 2023 kiểm toán kiến nghị sửa đổi 1069 văn bản nhưng hiện nay tỉ lệ sửa đổi mới đạt 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 74/2022/QH15 tiến độ sửa chữa văn bản đẩy nhanh hơn, năm 2023 được 98/270 văn bản, đạt 36%, cao hơn mức bình quân 5 năm.

Về nguyên nhân, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá ngoài nguyên nhân chủ quan còn nguyên nhân khách quan. Việc sửa đổi văn bản pháp luật cần thời gian từ khi ban hành luật đến nghị định chi tiết và thông tư hướng dẫn. Khi phát hiện sai phạm ở thông tư, thời gian sửa nhanh hơn, còn nghị định hay luật thì phải có thời gian sửa đổi.

"Việc sửa luật không đơn giản, vì cần có đánh giá tổng hợp kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng của luật. Kiểm toán sẽ tiếp tục phát hiện những bất cập, kẽ hở để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện", Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói.

>>Sáng nay, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn Quốc hội

>>Kiểm toán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc Hội

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang).

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang).

Nêu câu hỏi chất vấn việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện và xử lý tài chính hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng quản lý thu chi ngân sách nhà nước, kỷ luật kỷ cương tài chính một số nơi chưa nghiêm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp với Chính phủ để khắc phục tình trạng này?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, theo Nghị quyết 74 của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có tổng kết cụ thể. Ngoài nguyên nhân vướng mắc cơ về chế chính sách tiêu chuẩn, định mức, còn có nguyên nhân ở khâu thực hiện như ý thức, trách nhiệm, trình độ năng lực, tình trạng nể nang né tránh, đùn đẩy sợ trách nhiệm.

“Do đó, Quốc hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp tăng cường kỷ cương kỷ luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn định mức, đào tạo phổ biến nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực và vai trò của người đứng đầu, phối hợp của các bên liên quan…”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình).

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình).

Ở góc độ khác, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp để giải quyết chồng chéo từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hiện tượng chồng chéo đối tượng hoặc nội dung giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra địa phương.

Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết công tác xử lý chồng chéo được đặc biệt quan tâm. Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã bổ sung quy định về nguyên tắc về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán. 

Cụ thể, Kiểm toán nhà nước phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Luật Thanh tra Chính phủ 2022 mới được thông qua cũng quy định về xử lý và hạn chế chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán.

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, thực tế hai ngành phối hợp với nhau rất chặt chẽ, từ năm 2020 đã có quy chế phối hợp cụ thể để hạn chế chồng chéo.

“Cụ thể, từ khâu lập kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm toán và xử lý chồng chéo trong quá trình thanh tra, chia sẻ dữ liệu và đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm toán”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên).

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên).

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết mức độ sai phạm trong quản lý công sản, kể cả đất đai, trụ sở, tài nguyên khoáng sản, nguồn nước.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, kiểm toán môi trường, tài nguyên, khoáng sản là lĩnh vực mới, Kiểm toán Nhà nước bắt đầu thực hiện thông qua sự trợ giúp của cơ quan Kiểm toán công chứng Canada.

“Kiểm toán Nhà nước đã có chuyên đề kiểm toán về pháp luật khoáng sản, đất đai, chỉ rõ bất cập hạn chế từ việc chấp hành quy hoạch, cấp phép đến xử lý tài chính, nghĩa vụ ngân sách”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không phải đối tượng kiểm toán

    10:26, 05/06/2024

  • Sáng nay, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn Quốc hội

    02:30, 05/06/2024

  • AI sẽ tác động thế nào đến ngành kiểm toán, kế toán?

    02:00, 29/05/2024

NGUYỄN VIỆT