Không để du lịch đêm bị lãng quên 

NGUYỄN VIỆT 05/06/2024 17:04

Du lịch đêm là hướng đi cần phát triển nhưng sản phẩm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút giữ chân du khách.

>>Du lịch Ninh Thuận bứt phá với nhiều sản phẩm hấp dẫn

Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chiều 5/6 về phát triển du lịch đêm, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, du lịch đêm là hướng đi cần phát triển nhưng sản phẩm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút giữ chân du khách, trong khi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án kinh tế đêm, giao Bộ Văn hóa xây dựng và thí điểm một số sản phẩm du lịch đêm. Theo đó, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh thành thực hiện thí điểm du lịch đêm. Kết quả là những khu vực này thường xuyên có khách quốc tế, phát triển du lịch.

Ví dụ, Hà Nội phát huy các di tích, trở thành nơi du lịch văn hóa như Văn Miếu là nơi tinh hoa đạo học; Ninh Bình, từ cố đô Hoa Lư có đêm cố đô; TP.HCM có sắc màu đêm Sài Gòn… Các loại hình văn hóa, phố đi bộ, ẩm thực đường phố… giúp thu hút đáp ứng một phần nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá đây là sản phẩm kinh tế tổng hợp nên để giải quyết bài toán căn cơ này, đã đề xuất địa phương nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề. “Trong đó, cần có quy hoạch khu kinh tế đêm, vì không thể phát triển xen kẽ, bên này ngủ còn bên này hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

>>Năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tụt hạng: Cục Du lịch Quốc gia lý giải ra sao?
>>Từng bước mở rộng không gian du lịch tại Hội An

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi).

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi).

Chưa kể, các lực lượng tham gia như bán hàng, an ninh trật tự; chế độ chính sách cho những người làm đêm ở đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu thị trường bởi không cẩn thận sẽ bị bỏ lại.

"Hướng tiếp cận là gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa thiết kế, trải nghiệm cho du khách, phát triển loại hình ẩm thực, xem xét mở thêm cửa hiệu mua sắm… Cần phải có quy hoạch và công tác đào tạo thì sản phẩm du lịch đêm mới phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói-đồng thời cũng nhìn nhận đây là vấn đề khó.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề cạnh tranh du lịch, chèo kéo khách và hạ tầng cơ sở du lịch xuống cấp. Đặc biệt, các hồ đập có cảnh quan đẹp, thu hút du khách tạo sinh kế cho người dân thì có thể xem xét phát triển kênh này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

“Với sản phẩm chợ đêm dù phát triển tốt nhưng có nơi có lúc trầm lắng, sản phẩm hạn chế, chủ yếu cạnh tranh với nhau”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Chia sẻ về phần tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là loại hình linh hoạt và nhiều địa phương đang làm, mở cửa chợ đêm là nơi để du khách đến và mua sắm nên các địa phương phải có sự nghiên cứu, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.

"Khi một hoạt động du lịch đề ra phải được tính toán kỹ, vì đây là ngành tổng hợp. Có nhiều địa phương mở chợ đêm nhưng sau một thời gian khách du lịch không đến vì không có sản phẩm gì mới và rơi vào quên lãng. Chúng tôi đồng ý cần nghiên cứu thêm và đưa ra khuyến nghị để địa phương lựa chọn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang: Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh

    10:09, 05/06/2024

  • Phát triển đảo du lịch sinh thái không khí thải: Các quốc gia đã đi tới đâu?

    09:57, 05/06/2024

NGUYỄN VIỆT