Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu lý do không triển khai được đường đua F1
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư, song vì nhiều lý do nên không triển khai.
>>Không để du lịch đêm bị lãng quên
Chiều nay (5/6), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện đã có chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao nên đã xây dựng khu đường đua công thức 1 (F1) hiện đại, nhưng đến nay đã bị bỏ không.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khai thác khu đường đua công thức 1?
>>ĐBQH băn khoăn 300 tỉ đồng phục hồi du lịch nhưng lại gửi ngân hàng
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai. Sau đó vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên không triển khai.
Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp bàn giao mặt bằng, đất đai để triển khai. Việc đường đua có trở lại hoạt động hay không, lãnh đạo UBND TP Hà Nội sẽ có câu trả lời chính thức.
Với vấn đề một số Khu Liên hiệp thể thao quốc gia phục vụ tập luyện, thi đấu của vận động viên đang còn những tồn tại, sai phạm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã rà soát, nỗ lực xử lý những kiến nghị của thanh tra.
Bộ đang rà soát quy hoạch, xử lý những tồn đọng và nghiên cứu hướng khai thác cụ thể để phát huy được hiệu quả theo hướng đầu tư công-quản trị tư.
Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá nhằm thu hút nguồn lực đầu tư; ngoài nâng cao số lượng cần chú trọng hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận phản ánh của đại biểu Trần Thị Thanh Hương rất đúng. Các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả?
Bộ trưởng cũng nhận thấy những bất cập này và khẳng định thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ.
“Ví dụ như thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần tính toán”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng; trong đó có nguồn lực Nhân dân đồng thuận. Vì có như vậy mới phát huy được tác dụng.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam cần làm gì để vượt Thái Lan thu hút khách du lịch?
18:02, 05/06/2024
Không để du lịch đêm bị lãng quên
17:04, 05/06/2024
ĐBQH băn khoăn 300 tỉ đồng phục hồi du lịch nhưng lại gửi ngân hàng
16:18, 05/06/2024
Phát triển đảo du lịch sinh thái không khí thải: Các quốc gia đã đi tới đâu?
09:57, 05/06/2024