Tiền Giang: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp

NAM TRANG 07/06/2024 09:59

Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 11 KCN với tổng diện tích là 3.358,6 ha tại Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, có 3 KCN đã được cấp quyết định thành lập và đi vào hoạt động gồm: KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương, KCN Long Giang với tổng diện tích 816,4 ha. KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp với diện tích 285,3 ha đang chờ chuyển giao về tỉnh quản lý. KCN Bình Đông (diện tích 211,96 ha) và KCN Tân Phước 1 (diện tích 470 ha) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Các KCN đang mời gọi đầu tư có tổng diện tích 1.575 ha, gồm: KCN Tân Phước 2, KCN Tân Phước 3, KCN Tân Phước 4, KCN Tân Phước 5 và KCN Phú Tân.

p/Khu công nghiệp Long Giang tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Khu công nghiệp Long Giang tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Lấp đầy các KCN

Đến nay, các KCN của Tiền Giang đã thu hút được 111 dự án đầu tư (có 84 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 2,557 tỷ USD và 4.487 tỷ đồng. Diện tích cho thuê đạt 551,4/753,2 ha, chiếm tỷ lệ 73,2% diện tích đất công nghiệp các KCN. Trong đó, KCN Mỹ Tho đã lấp đầy 100%; KCN Tân Hương lấp đầy 100%.

Tỷ lệ lấp đầy của KCN Long Giang là 83,2% (318,94ha/383,25ha), còn 64,3 ha diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ còn duy nhất KCN Long Giang còn quỹ đất công nghiệp có thể cho thuê với diện tích khoảng 64,3 ha.”

Các doanh nghiệp trong KCN đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững.

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê KCN Long Giang trong năm 2024 (cho thuê đất dự án đầu tư mới và dự án hiện hữu thuê đất mở rộng dự án). Trong đó, tập trung chọn những nhà đầu tư, ngành nghề có công nghệ sản xuất tiên tiến, ít thâm dụng lao động, ít ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Để làm được điều đó, Tiền Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật KCN cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN; hỗ trợ tối đa nhà đầu tư từ bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động; hướng dẫn, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.

Đón sóng đầu tư

Thời gian tới, nhu cầu thu hút đầu tư của Tiền Giang rất lớn, trong khi các KCN hiện hữu đã và sẽ được lấp đầy trong năm 2024. Việc tập trung xây dựng, phát triển các KCN mới là một trong những mục tiêu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang. Chính vì vậy, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu phát triển ít nhất 11 KCN, với tổng diện tích hơn 3.358,6ha thuộc 2 vùng công nghiệp.

Trong đó: Bổ sung thêm 4 KCN: KCN Tân Phước 3, 4, 5 và 01 KCN ở huyện Tân Phú Đông. Phát triển hiệu quả vùng kinh tế động lực gắn với việc xây dựng vùng sinh thái công nghiệp lớn ở Tân Phước kết nối với kết cấu hạ tầng vùng (đường cao tốc, đường sắt, quốc lộ,…). Bên cạnh đó, Tiền Giang phát triển trung tâm logistics cấp vùng có sức cạnh tranh và kinh tế biển, thu hút các ngành công nghiệp hạ nguồn khí tự nhiên hóa lỏng ở vùng công nghiệp Soài Rạp.

Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, Tiền Giang tập trung thu hút các ngành chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các KCN; gắn với chuyển đổi số. Giai đoạn 2026 - 2030, thu hút, lấp đầy và mở rộng quy mô các KCN và xây dựng các cụm ngành chiến lược mới như y sinh hoá dược, xây dựng, kinh tế biển.

Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 14 - 15%/năm, đóng góp khoảng trên 33% GRDP vào năm 2030.
Tỉnh tiếp tục phát triển vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và khu vực Gò Công, gắn với hệ thống KCN của vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL. Đây là nền tảng quan trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả để tăng tốc phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Tiếp tục thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: công nghiệp điện tử; công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông sản…

Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý hiệu quả hoạt động của các KCN; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất. Tỉnh thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai các dự án; kịp thời đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm tiến độ, vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang: Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

    Tiền Giang: Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

    09:25, 31/05/2024

  • Tiền Giang: Nâng cao chất lượng điều hành kinh tế

    Tiền Giang: Nâng cao chất lượng điều hành kinh tế

    10:19, 29/05/2024

  • Tiền Giang chuyển đổi số đồng bộ

    Tiền Giang chuyển đổi số đồng bộ

    10:00, 24/05/2024

NAM TRANG