Thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTA

YẾN NHUNG 07/06/2024 04:30

Trước một số hạn chế còn tồn tại, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

>> Thực thi hiệu quả các FTA: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm

Hiện nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành 1 trong số 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Hiện nay, Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác - Ảnh minh họa: ITN

Hiện nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao. Xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới thay đổi và chưa phục hồi như kỳ vọng. Đáng nói, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào một số nền thị trường lớn, các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 73% năm 2023)...

Trước thực trạng nêu trên, bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề xuất một số giải pháp căn cơ cần tập trung triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy việc thực hiện các FTA.

đề xuất một số giải pháp căn cơ cần tập trung triển khai trong thời gian tới để thúc đẩy việc thực hiện các FTA

Một số giải pháp căn cơ được đề xuất trong thời gian tới để thúc đẩy việc thực hiện các FTA - Ảnh minh họa: ITN

>> Động lực tăng trưởng từ thực thi hiệu quả các FTA

Theo đại biểu, các bộ, ngành trong đó Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp để đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững.

Cùng với đó, cần có giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu, …

“Tăng cường hơn nữa vai trò và tiếng nói của các hiệp hội ngành hàng trong nắm bắt khó khăn, vướng mắc, về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp, từ đó giúp các cấp, các ngành kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phục vụ công tác chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt các giải pháp có liên quan”, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đề nghị.

Ngoài ra, cần tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của các thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ CôngThương Nguyễn Hồng Diên nhận định, để khai thác hiệu quả các FTA vấn đề quan trọng vẫn là con người. Bộ trưởng đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế, cũng như các hiệp định thương mại tự do.

“Các trường trong hệ thống quốc dân cần có kế hoạch mở mã ngành, có chương trình đào tạo có được đội ngũ nhân lực đủ trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các ngành, các địa phương tham gia hội nhập quốc tế…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng; đẩy mạnh tiến độ đàm phán ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường…

Có thể bạn quan tâm

  • Thực thi hiệu quả các FTA: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm

    Thực thi hiệu quả các FTA: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm

    04:00, 06/05/2024

  • Động lực tăng trưởng từ thực thi hiệu quả các FTA

    Động lực tăng trưởng từ thực thi hiệu quả các FTA

    15:48, 25/04/2024

  • ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Khơi thông hiệu quả các FTA

    ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI: Khơi thông hiệu quả các FTA

    15:31, 12/04/2024

  • Xuất khẩu cà phê sang EU: Đòn bẩy từ EVFTA

    Xuất khẩu cà phê sang EU: Đòn bẩy từ EVFTA

    03:30, 11/03/2024

  • Hải Phòng: Chuyển đổi để tận dụng cơ hội từ EVFTA

    Hải Phòng: Chuyển đổi để tận dụng cơ hội từ EVFTA

    01:02, 25/12/2023

YẾN NHUNG