Đề xuất xác thực thông tin người bán hàng online: Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia cho rằng, việc xác thực thông tin người bán hàng online cần ràng buộc trách nhiệm của 3 bên. Trong đó chủ sàn, trang web bán hàng phải khai báo chất lượng, xuất xứ hàng hóa của bên bán…
>>Cần thiết luật hóa việc kinh doanh dược qua sàn thương mại điện tử
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu một số giải pháp để quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Bộ này dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Đồng thời, quản lý, giám sát, giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử dự kiến sẽ phân cấp, quyền cho các địa phương. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết, quản lý mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử cũng được xem xét bổ sung.
Trước đó, trong phiên chất vấn kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu.
Hiện nay, thương mại điện tử đang ngày càng có tác động lớn, đặc biệt đối với nhóm đối tượng trẻ, người cao tuổi, người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa. Điều này cũng làm phát sinh một số hệ lụy tiêu cực như vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, "nghiện mua hàng". Trong khi, tình trạng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn phức tạp.
Để khắc phục, Bộ Công Thương cho biết đã tham mưu, trình Thủ tướng ban hành Quyết định 319/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Trong đó đề ra mục tiêu 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định về thương mại điện tử; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2020 và Nghị định 17/2022, trong đó tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
>>Quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu
Đưa ra quan điểm trên tờ Thanh Niên, luật sư Trần Xoa, Công ty Luật Minh Đăng Quang ủng hộ đề xuất "xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử". Theo vị luật sư này, quy định này cần được thực hiện từ lâu trong bối cảnh một thị trường có nền thương mại điện tử tăng như vũ bão của Việt Nam.
"Người bán hàng biết rõ và làm việc với sàn thương mại điện tử để bán hàng. Thế nên quy định phải siết sàn thương mại điện tử là chính. Sàn cung cấp dịch vụ, làm cầu nối trung gian giữa người bán và người mua. Quan trọng hơn, họ biết người bán ở đâu và phải có trách nhiệm bảo vệ người mua hàng", luật sư Trần Xoa giải thích và cho rằng yêu cầu xác thực này chủ yếu áp dụng cho cá nhân kinh doanh online trong nước, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.
Theo luật sư Trần Xoa, người tham gia bán hàng phải khai báo thông tin cá nhân cho sàn. Nhưng quan trọng là khi người mua khiếu nại, người bán phối hợp với sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm và giải quyết thỏa đáng cho người tiêu dùng. Cá nhân, hộ gia đình đăng ký bán hàng qua sàn thương mại điện tử cần phải cung cấp căn cước công dân, mã số thuế cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp, mã định danh.
Song song đó, luật sư Trần Xoa cho rằng, các sàn thương mại điện tử phải có hợp đồng cho bên bán cam kết chất lượng sản phẩm để ngăn chặn ngay tình trạng nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả trên sàn mà không ai chịu trách nhiệm.
“Trường hợp cá nhân bán hàng là người nước ngoài, bán hàng trên sàn thương mại điện tử thì khó kiểm soát chất lượng hàng hóa nếu không có sự ra tay của chủ sàn”, vị luật sư nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét, kinh doanh qua mô hình thương mại điện tử có nhiều thế mạnh, nhưng có 2 "khuyết tật" cần khắc phục. Đó là thất thu thuế và hàng giả, hàng nhái. Đề xuất của Bộ Công thương là mong muốn giảm hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng phương thức này cần có ràng buộc trách nhiệm của 3 bên, trong đó chủ sàn, trang web bán hàng phải có trách nhiệm về khai báo chất lượng, xuất xứ hàng hóa của bên bán.
"Muốn thế, phải nắm được máy chủ của các sàn đặt tại Việt Nam. Nếu đặt ở nước ngoài, quy định này chưa khả thi. Cần nắm các sàn có lượng giao dịch lớn, doanh số lớn. Nhóm hàng cần nhắm tới vì dễ có hàng giả, nhái nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm… Cứ làm tuần tự từng bước một, kể cả phối hợp với chính quyền các địa phương ở nước ngoài, cụ thể là các tỉnh thành ở Trung Quốc đang bán hàng online trên thị trường Việt Nam, để quản lý chất lượng sản phẩm", ông Phú chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý thương mại điện tử đối với hoạt động xuất nhập khẩu
16:36, 04/06/2024
Giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử
15:10, 04/06/2024
Không bổ sung dịch vụ thương mại điện tử… vào Danh mục phải đăng ký
03:00, 26/05/2024
Doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử đạt 6,6 triệu tỷ đồng trong 2 năm
11:26, 26/04/2024