Phát triển kinh tế bạc (KỲ I): Xu hướng tất yếu của tương lai
Phát triển nền kinh tế bạc được coi là xu hướng tất yếu trong bối cảnh già hóa dân số.
>>> Đưa hàng Việt Nam ra thế giới
Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định "già hóa dân số" là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh.
Khi tuổi tác tăng lên, nhu cầu về sức khỏe thể chất, chăm sóc hàng ngày và chăm sóc dài hạn của người cao tuổi cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, người cao tuổi trên 80 tuổi có nhu cầu đặc biệt cấp thiết về các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, bao gồm nhiều cấp độ hỗ trợ cuộc sống, chăm sóc phục hồi chức năng, phòng ngừa và quản lý bệnh tật. Bên cạnh đó, với thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, nền tảng kinh tế ổn định hơn, người cao tuổi ngày càng có xu hướng theo đuổi những hoạt động có thể làm phong phú đời sống tinh thần, giúp họ thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống hưu trí như tham gia du lịch, trau dồi sở thích, tham gia các hoạt động văn hóa…
Theo nghiên cứu, bên cạnh những điểm chung, mỗi nhóm người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau có những nhu cầu riêng, nếu như người mới nghỉ hưu hướng nhiều tới đời sống cộng đồng, văn hóa và giải trí thì nhóm người cao tuổi hơn hướng nhiều tới chăm sóc sức khỏe và nhóm người rất cao tuổi hướng tới chăm sóc sức khỏe, sự an nhàn và tiện nghi trong cuộc sống.
Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng.
Với những đặc điểm nêu trên, già hóa dân số được coi là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội toàn cầu; các quốc gia đang tìm cách giải quyết các vấn đề do già hóa dân số gây ra thông qua việc phát triển nền kinh tế bạc.
Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị khoảng 15 nghìn tỷ USD. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP, với những quốc gia như Ý và Đức có tỷ lệ dân số cao tuổi đặc biệt cao.
Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, nền kinh tế bạc tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế: giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số...
Kinh nghiệm tại một số quốc gia
Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số cao tuổi lớn nhất tại châu Âu, với hơn 22% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ này sẽ tăng từ 22% lên 28% vào năm 2040 trong khi số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống dưới 50% dân số. Điều này đòi hỏi Đức cần có những chính sách đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhóm dân số này.
Thứ nhất, Đức có một hệ thống bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe được tổ chức chặt chẽ theo đó: Bảo hiểm chăm sóc dài hạn được triển khai từ năm 1995, đây là một trong những hệ thống tiên tiến nhất trên thế giới. Bảo hiểm này hỗ trợ người cao tuổi trong chăm sóc sức khỏe tại nhà và tại các cơ sở chăm sóc chuyên biệt. Chăm sóc từ xa với hệ thống telemedicine, người cao tuổi có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không cần di chuyển nhiều. Dịch vụ y tế và xã hội được kết hợp một cách đồng bộ, từ chăm sóc cá nhân tại nhà đến các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão.
Chính phủ Đức thúc đẩy người cao tuổi tham gia thị trường lao động, qua đó duy trì một cuộc sống năng động. Các chính sách chủ yếu liên quan tới vấn đề này là: Chính sách hưu trí linh hoạt cho phép người cao tuổi vừa nhận lương hưu vừa làm việc bán thời gian. Khuyến khích đào tạo: Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, giúp người cao tuổi dễ dàng chuyển đổi công việc hoặc khởi nghiệp.
Chính phủ Đức khuyến khích xây dựng những khu nhà ở với thiết kế đặc biệt phù hợp cho người cao tuổi, bao gồm: Nhà ở chung cư với các tiện ích như thang máy, lối đi rộng, không có bậc thang, gần các cơ sở y tế; Cộng đồng đa thế hệ: Nơi người cao tuổi sống cùng gia đình hoặc các nhóm tuổi khác để hỗ trợ lẫn nhau. Hệ thống giao thông công cộng: Xe buýt và tàu điện được thiết kế thân thiện với người cao tuổi, với lối lên xuống thấp, hệ thống báo hiệu rõ ràng.
Đức cung cấp nhiều chương trình giáo dục và giải trí dành riêng cho người cao tuổi, bao gồm: Các khóa học trực tuyến giúp người cao tuổi tiếp cận kiến thức mới, từ ngôn ngữ, nghệ thuật đến kỹ năng sống. Câu lạc bộ sức khỏe và thể dục được xây dựng ở nhiều địa phương để thúc đẩy vận động, duy trì sức khỏe. Thư viện và trung tâm cộng đồng được mở rộng với nhiều hoạt động kết nối xã hội, nâng cao đời sống tinh thần.
Đức đã áp dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ người cao tuổi, bao gồm: Thiết bị đeo thông minh nhằm theo dõi sức khỏe và cảnh báo nguy cơ; Robot hỗ trợ: Được sử dụng trong các hoạt động chăm sóc cơ bản; Ứng dụng di động: Giúp người cao tuổi truy cập thông tin y tế, đặt lịch khám bệnh.
Như vậy, kinh nghiệm của Đức trong phát triển nền kinh tế bạc tập trung vào việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, thúc đẩy việc làm, tạo điều kiện sống phù hợp và tích hợp công nghệ. Những nỗ lực này đã giúp người cao tuổi duy trì chất lượng cuộc sống và sự tham gia xã hội, từ đó đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Pháp là một trong những quốc gia phát triển ở châu Âu, đã thực hiện nhiều chính sách và chương trình nhằm ứng phó với sự gia tăng dân số cao tuổi và phát triển nền kinh tế bạc. Một số kinh nghiệm nổi bật của Pháp bao gồm:
Thứ nhất, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, trong đó lương hưu và phúc lợi xã hội: Pháp đã xây dựng một hệ thống lương hưu toàn diện với nhiều hình thức lương hưu như lương hưu công, lương hưu tư, và các chế độ bảo hiểm bổ sung. Điều này giúp người cao tuổi có nguồn tài chính ổn định sau khi nghỉ hưu, từ đó hỗ trợ chi tiêu và tham gia các hoạt động kinh tế. Pháp cung cấp trợ cấp để hỗ trợ người cao tuổi chi trả cho dịch vụ chăm sóc, sinh hoạt hàng ngày, như Trợ cấp cá nhân hóa dành cho quyền tự chủ (APA) và hỗ trợ đặc biệt cho người cao tuổi có thu nhập thấp.
Thứ hai, hỗ trợ lao động cao tuổi. Khuyến khích làm việc sau tuổi nghỉ hưu: Pháp áp dụng chính sách linh hoạt về hưu trí, cho phép người cao tuổi lựa chọn tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Điều này giúp họ duy trì thu nhập và hoạt động xã hội, tận dụng kinh nghiệm chuyên môn lâu năm. Đào tạo và tư vấn: Các chương trình đào tạo và tư vấn dành cho người lao động cao tuổi giúp họ cập nhật kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm mới phù hợp.
Thứ ba, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Pháp đã mở rộng dịch vụ chăm sóc tại nhà, giúp người cao tuổi có thể nhận được sự hỗ trợ y tế mà không cần phải chuyển đến viện dưỡng lão. Hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn cũngđược mở rộng, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, bao gồm viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng, và các khu phức hợp hỗ trợ…
Canada là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa cao, với các chính sách và biện pháp cụ thể để hỗ trợ người cao tuổi. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Mỗi tỉnh quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng, đảm bảo rằng người cao tuổi có quyền tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng. Canada hỗ trợ người cao tuổi với các dịch vụ chăm sóc tại nhà, giúp họ duy trì sự độc lập và thoải mái trong chính ngôi nhà của mình. Các dịch vụ bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày và theo dõi sức khỏe.
Chương trình Lương hưu (Canada Pension Plan, CPP) cung cấp khoản trợ cấp hưu trí ổn định dựa trên mức đóng góp của cá nhân khi còn làm việc. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thu nhập sau khi nghỉ hưu. Chương trình Bảo hiểm Tuổi già (Old Age Security, OAS) cung cấp khoản trợ cấp cơ bản cho mọi người cao tuổi dựa trên thời gian sinh sống ở Canada. Người cao tuổi có thể đủ điều kiện nhận thêm trợ cấp thu nhập bổ sung nếu có thu nhập thấp.
Các trung tâm sinh hoạt cộng đồng cung cấp nhiều hoạt động xã hội, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Họ có thể tham gia vào các lớp học, câu lạc bộ và hoạt động giải trí phù hợp với nhu cầu. Các dịch vụ vận tải miễn phí hoặc giảm giá giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua sắm và các hoạt động xã hội.
Canada khuyến khích người cao tuổi tiếp tục học tập và cập nhật kỹ năng mới. Các khóa học trực tuyến và hoạt động giáo dục thường xuyên được cung cấp miễn phí hoặc giảm giá. Khuyến khích tham gia tình nguyện: Chính phủ khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động tình nguyện, đóng góp kiến thức và kinh nghiệm vào các tổ chức phi lợi nhuận hoặc cộng đồng.
Canada đang áp dụng các công nghệ mới như chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) và hệ thống theo dõi sức khỏe để hỗ trợ người cao tuổi. Điều này giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời mà không cần phải di chuyển xa. Các thiết bị như đồng hồ thông minh, ứng dụng theo dõi sức khỏe và hệ thống báo động giúp người cao tuổi theo dõi tình trạng sức khỏe và đảm bảo an toàn.
Nhật Bản là quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng, và chăm sóc tại nhà. Các chương trình chăm sóc dài hạn cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người cao tuổi, giúp họ dễ dàng tiếp cận hỗ trợ. Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn được giới thiệu nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người cao tuổi và gia đình. Chương trình này cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc tại nhà và hỗ trợ sinh hoạt.
Tuổi nghỉ hưu chính thức được nâng lên 65, với chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc. Các doanh nghiệp được hỗ trợ để tạo điều kiện làm việc bán thời gian hoặc tự do cho người cao tuổi. Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty thuê người cao tuổi làm cố vấn, tư vấn hoặc trong vai trò giảng dạy. Điều này giúp tận dụng kinh nghiệm của người cao tuổi và mang lại thu nhập cho họ.
Các trung tâm điều dưỡng, viện dưỡng lão, và dịch vụ chăm sóc tại nhà được triển khai rộng rãi, cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý.
Chính phủ Nhật Bản cải thiện hạ tầng công cộng, tạo ra không gian thân thiện với người cao tuổi, bao gồm giao thông công cộng, vỉa hè, qua đường, nhà vệ sinh công cộng, khu dân cư có dịch vụ y tế, không có bậc thềm, căn hộ (cửa rộng, hành lang rộng để cáng có thể hoạt động khi khẩn cấp, một mặt bằng, sàn chống trơn, công tắc điện thấp, có nút gọi khẩn cấp (emergency), xe lăn có thể tiếp cận mọi không gian (giường, nhà vệ sinh, bếp…), và công viên dành riêng cho người cao tuổi.
Khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao, giúp họ duy trì sự tích cực, độc lập và kết nối cộng đồng. Các tour du lịch được thiết kế dành riêng cho người cao tuổi, với dịch vụ hỗ trợ y tế, hướng dẫn viên am hiểu về nhu cầu và sở thích của họ...
KỲ II: MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH THAM KHẢO CHO VIỆT NAM
(*) Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)
Có thể bạn quan tâm
M&A bất động sản sôi động nửa cuối năm
05:00, 07/06/2024
Trung Quốc “giải cứu” bất động sản (Kỳ I): Bước đi mới
12:00, 06/06/2024
Trung Quốc lại “giải cứu” bất động sản: Hiệu quả sẽ thế nào?
04:00, 04/06/2024
Sắp diễn ra “Ngày hội môi giới bất động sản Việt Nam”
16:33, 03/06/2024
Minh bạch pháp lý cho thị trường bất động sản
03:00, 03/06/2024