Thế giới vẫn đầy trắc trở với năng lượng tái tạo

TRƯỜNG ĐẶNG 09/06/2024 04:00

Dù đầu tư hàng nghìn tỷ USD để chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang tái tạo, thế giới vẫn gần như dậm chân tại chỗ khi nguồn cung điện từ nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn.

Năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch vẫn quá lớn so với năng lượng tái tạo

Năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch vẫn quá lớn so với năng lượng tái tạo

Thế giới đang ở giữa một thời kỳ khủng hoảng khi sự chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo ngày càng khó khăn, theo một số chuyên gia trong ngành.

>>Châu Á đối mặt bài toán năng lượng khi phát triển trung tâm dữ liệu

Chưa thể thay thế nhiên liệu hóa thạch

Bất chấp những triển vọng thể hiện trên truyền thông và ngoại giao, không có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy năng lượng tái tạo đang thực sự thay thế việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, theo Brenda Shaffer, một học giả về năng lượng tại Hội đồng Atlantic.

Sau hàng thập kỷ với hàng nghìn tỷ USD trợ cấp, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch chỉ giảm 2 điểm phần trăm so với năm 1973. Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm khoảng 84% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, so với khoảng 94% của 50 năm trước.

Năm 2023, nhu cầu than, dầu và khí đốt tự nhiên đã chứng kiến những kỷ lục mới. Sự tăng trưởng gần đây về công suất năng lượng tái tạo đã đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng đang gia tăng trên toàn cầu nhưng không làm giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch.

Những quan điểm cho rằng phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như than hay khí đốt tự nhiên tồn tại những khiếm khuyết. Khí tự nhiên chỉ chiếm 12% lượng khí thải mêtan toàn cầu, tương đương với sản xuất lúa gạo toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi không ai yêu cầu giảm sản xuất và tiêu thụ gạo, nhiều nước phương Tây tự tạo ra sức ép phải từ bỏ nguồn sản xuất điện chính của mình.

Với công nghệ hiện nay, năng lượng tái tạo không thể thay thế nhiên liệu hóa thạch vì nhiều lý do, theo bà Brenda Shaffer, chuyên gia năng lượng ở Đại học Georgetown (Mỹ). Thứ nhất, năng lượng tái tạo hiện nay đang tạo ra một hệ thống năng lượng đắt đỏ hơn nhiều so với hệ thống hóa thạch, dẫn tới việc các chính sách chuyển đổi năng lượng phải lệ thuộc vào các khoản trợ cấp lớn và không bền vững.

Thứ hai, các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch phải duy trì hoạt động để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định – thứ năng lượng tái tạo không thể đảm bảo. 

Thứ ba, năng lượng tái tạo có mật độ năng lượng thấp, nghĩa là chúng cần nhiều không gian hơn và nặng hơn nhiên liệu hóa thạch, do đó không thể sử dụng trong các lĩnh vực, như vận tải hàng không.

Thứ tư, việc chuyển đổi các nguồn năng lượng như gió và mặt trời thành điện năng không đạt hiệu quả lắm khi xét tới mức độ hao hụt năng lượng cao.

Thứ năm, không có nguồn năng lượng tái tạo nào đủ sức đảm nhiệm các lĩnh vực tiêu thụ điện đặc biệt lớn như sản xuất phân bón, công nghiệp nặng, hay các mục đích quân sự.

>>Lạm phát xanh "cản bước" Đông Nam Á chuyển đổi năng lượng

Trung Quốc - người hưởng lợi chính

Điều đáng ngạc nhiên, trong khi là đối thủ lớn nhất, Trung Quốc cũng là người hưởng lợi chính trong các chính sách chuyển đổi năng lượng của phương Tây. Nền kinh tế số 2 thế giới là nước đi đầu trong cung cấp các thiết bị cho điện gió và pin xe điện – những trụ cột trong tham vọng kinh tế xanh của châu Âu và Mỹ.

Sau 50 năm, tỷ trọng của năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch chỉ thay đổi không đáng kể (Minh họa: Trường Đặng)

Sau 50 năm, tỷ trọng của năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch chỉ thay đổi không đáng kể (Minh họa: Trường Đặng)

Theo các học giả phương Tây, các chính sách về khí hậu và năng lượng toàn cầu ngày nay đang diễn ra theo hướng có lợi cho Trung Quốc và suy yếu phương Tây. Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản theo đuổi các hệ thống điện đắt tiền hơn, kém tin cậy hơn, dẫn đến phi công nghiệp hóa. Trong khi các đối thủ như Trung Quốc, Nga và Iran vẫn tiếp tục sản xuất điện rẻ hơn, đáng tin cậy hơn từ nhiên liệu hóa thạch.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, bao gồm các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện cũng như các đơn đặt hàng đối với các khoáng sản quan trọng mà nguồn cung do Trung Quốc kiểm soát.

Việc nhóm G-7 rút các khoản tài trợ công cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, như diễn ra vào cuối năm 2021, không đạt kết quả do nó đã tạo cơ hội mở rộng ảnh hưởng địa chính trị cho Trung Quốc tại các nước đang phát triển.

Bởi vậy, bà Shaffer cho rằng thay vì theo đuổi các hệ thống năng lượng tái tạo mà Trung Quốc đang làm chủ, thì Mỹ và phương Tây nên đầu tư vào đổi mới và thiết kế một hệ thống năng lượng mới mà Trung Quốc không thống trị. Cùng với đó, các nước G7 nên quay trở lại lĩnh vực tài chính công ở các nước đang phát triển, thay vì để ngỏ sân chơi cho Trung Quốc.

“Tại một thời điểm nào đó, sự chuyển đổi năng lượng thực sự sẽ xảy ra. Giống như trước đây, sự đổi mới của con người sẽ khám phá ra những nguồn năng lượng mới đáp ứng nhu cầu về môi trường, địa chính trị và kinh tế của toàn cầu. Nhưng quá trình chuyển đổi năng lượng do chính phủ lãnh đạo hiện nay của phương Tây không phù hợp với yêu cầu”, bà Shaffer nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • ASEAN nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

    ASEAN nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

    03:00, 28/05/2024

  • Châu Á đối mặt bài toán năng lượng khi phát triển trung tâm dữ liệu

    Châu Á đối mặt bài toán năng lượng khi phát triển trung tâm dữ liệu

    03:00, 05/05/2024

  • Lạm phát xanh

    Lạm phát xanh "cản bước" Đông Nam Á chuyển đổi năng lượng

    03:00, 25/04/2024

  • Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    Trí tuệ nhân tạo và rào cản năng lượng sạch

    03:30, 22/04/2024

  • Đằng sau tình trạng dư thừa năng lượng mới của Trung Quốc

    Đằng sau tình trạng dư thừa năng lượng mới của Trung Quốc

    03:00, 14/04/2024

TRƯỜNG ĐẶNG