Thị trường chứng khoán: Cơ hội nhiều hơn thách thức
Thị trường hiện nay có cơ hội nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị của mình để có lựa chọn phù hợp, đa dạng hoá danh mục và sử dụng đòn bẩy hợp lý.
>>>VN-Index sẽ theo kịch bản nào?
Đây là chia sẻ củaTS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” do Báo Đầu tư tổ chức.
Theo ông Lực, năm 2024-2025 có 4 thách thức chính là xung đột địa chính trị phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn. Lạm phát và lãi suất dù xu hướng giảm nhưng vẫn đang cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu, biến đổi khí hậu bất thường.
Đà phục hồi chậm lại ở 1 số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc, kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng kì vọng phục hồi dần trong năm 2025.
Tại Việt Nam, kinh tế đang phục hồi nhưng không đồng đều, doanh thu bán lẻ 5 tháng đầu năm tăng 8,7%. Khối du lịch phục hồi mạnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, yếu tố đáng lưu ý là sức chi tiêu còn ít.
Khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt chủ yếu là các vấn đề pháp lý, nghĩa vụ tài chính và áp lực chi phí, chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều dẫn tới yếu tố tăng trưởng không bền vững và biên lợi nhuận ít.
Trong khi đó, vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng, tiêu dùng tăng trưởng thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm và thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn chậm ban hành.
>>>Thị trường chứng khoán đã tạo đáy?
Nói về thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán, đã và đang phục hồi tương đối tích cực, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng mạnh. Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 5/2024 nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 46,45%, ngành giày dép tăng 36,5%, ngành ngân hàng tăng hơn 14%, chứng khoán tăng 13,6%, ngành bất động sản có tăng nhưng còn chậm, chỉ1,54%.
Đối với thị trường trái phiếu năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 213,5 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản khoảng 80.000 tỷ đồng (37%), là những con số không đáng lo ngại.
Từ những số liệu trên, ông Lực cho rằng, có thể khẳng định thị trường hiện nay có cơ hội nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị của mình để có lựa chọn phù hợp, đa dạng hoá danh mục và sử dụng đòn bẩy hợp lý.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên hạn chế tâm lý đám đông (Fomo) mà chú trọng tích luỹ, kinh nghiệm cho mình. Nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính khác.
Có phần đồng quan điểm, ông Đỗ Thành Tùng, Phó Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết, từ đầu năm 2024, đã có quan điểm thị trường trong năm sẽ là thị trường giá lên, với động lực quan trọng là sự phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp, về dài hạn đây luôn là động lưc tăng trưởng của thị trường chứng khoán nói chung, trong năm nay xu hướng tăng trưởng phục hồi lợi nhuận đi kèm với bước phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô.
Những biến số về lãi suất đã giảm rất sâu trong quý I/2024, điều nay là một chất xúc tác rất tốt cho thị trường chứng khoán trong việc kích thích dòng vốn trong nước đẩy mạnh vào thị trường chứng khoán, giúp tái định giá lại mặt bằng thị trường trong quá trình các doanh nghiệp niêm yết phục hồi lợi nhuận. Một biến số nữa có thể tác động đến triển vọng của thị trường trong cuối năm nay và trong cả năm 2025 liên quan khá nhiều đến câu chuyện về nâng hạng thị trường.
Ông Tùng cho biết, định giá của thị trường đang tiến dần về mức trung bình 10 năm, dựa trên các xúc tác về lãi suất thấp cũng như là phục hồi tăng trưởng lợi nhuận.
Chọn danh mục và kinh nghiệm đa dạng hóa danh mục
Chia sẻ về các kênh đầu tư đang có sự thu hút giai đoạn qua, bà Lina Nguyễn, Giám đốc phát triển kinh doanh Exness Investment Bank cho biết, với vàng, chịu tác động bởi các bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, Châu Âu hay Mỹ Trung vẫn đang diễn ra hơn 2 năm gần đây, yếu tố lạm phát cao mặc dù có sự giảm nhiệt đầu năm, nhưng nhìn chung là vẫn cao hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó nhu cầu gia tăng đến từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi ở Đông và Trung Á (Ấn Độ, Trung Quốc)
Trong bối cảnh không chắc chắn về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương suy nghĩ đến việc giảm lãi suất trong cuối năm nay nhưng điều đó cũng chưa hẳn diễn ra. Đối với FED, mọi thứ không hoàn toàn diễn ra như kế hoạch trong những năm gần đây khi đơn vị này tiếp tục đấu tranh để đạt được mục tiêu lạm phát 2%, dẫn đến việc cắt giảm lãi suất dự kiến bị trì hoãn.
Theo ông Nicholas Snowdon, ban Kim loại của Goldman Sach dự báo giá vàng sẽ tăng khoảng 6% trong 12 tháng tới, lên đến 2.175 USD/ounce
Trong khi đó với chứng khoán, các chuyên gia cho rằng thị trường đã được hưởng lợi trước nhiều thông tin tích cực trong nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến, những đột phá trong trí tuệ nhân tạo, lạm phát hạ nhiệt và việc cắt giảm lãi suất dự kiến ở Fed và một số NHTW khác. Sự tăng trưởng đầu năm các công ty khổng lồ tạo nên cái gọi là “Bộ bảy vĩ đại”: Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Tesla và Nvidia. Các chuyên gia cho biết, những công ty này đã tăng trưởng phần lớn nhờ sự nhiệt tình đối với AI. Ví dụ: Microsoft nắm giữ cổ phần lớn trong OpenAI của nhà sản xuất ChatGPT; trong khi Nvidia sản xuất phần lớn chip đằng sau sự bùng nổ AI.
Theo bà Lina, "sóng" trên thị trường chứng khoán năm 2024 có thể có và nghiêng về cuối năm nhiều hơn, đồng pha với sự phục hồi của nền kinh tế và sự phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp
Tiết lộ về cơ cấu danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại, chuyên gia của SSIAM và Dragon Capital Việt Nam đều có sự lựa chọn với cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu ngành công nghệ. IT được đánh giá là ngành bền vững nhiều năm tới và ít mang tính chu kỳ.
Trong khi quy mô của quỹ ảnh hưởng đến khả năng đi tiền, danh mục đầu tư của các cá nhân có nhiều lựa chọn hơn. Gợi ý về chiến lược đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân, theo ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc đầu tư của SSIAM, sẽ có nhiều cơ hội ở nhóm ngành khác thêm trong 6 tháng tới một năm tới, như nhóm chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu (dệt may, gỗ, đá, thuỷ sản…) đang phục hồi về đơn hàng và tương lai giá sẽ được cải thiện. Phù hợp với khẩu vị rủi ro an toàn hơn, nhóm tiêu dùng thiết yếu là nhóm chưa tăng nhiều nhưng đã có dấu hiệu tốt hơn về kết quả kinh doanh trong 1-2 tháng gần đây.
Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc Nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm ngành kỳ vọng có tăng trưởng nhiều nhất như nhóm doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hoặc kỳ vọng có sự tăng trưởng ổn định như nhóm ngân hàng.
Về chiến lược phân bổ danh mục, đa phần các nhà đầu tư trên thị trường hay quen thuộc với câu “không bỏ trứng vào một giỏ” – tức cần đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi rỏ và nâng cao lợi nhuận tổng thể trong thời gian dài.
Tuy nhiên, có một số “lỗi” phổ biến ở các nhà đầu tư khi đa dạng hóa, theo bà Lina đó chính là đa dạng hóa quá mức. Khi đầu tư dài trải ở quá nhiều nhóm, nhà đầu tư có nguy cơ hạn chế tiềm năng thu được lợi nhuận cao hơn và gặp khó khăn trong việc giám sát và tái cân bằng danh mục đầu tư.
Nguyên tắc chung, rót tiền vào hơn 10 phương tiện đầu tư thì nhà đầu tư có thể gặp nguy cơ đa dạng hóa quá mức. Nên đơn giản hóa danh mục đầu tư của mình.
Sai lầm thường thấy chính là quan điểm, đa dạng hóa có thể loại bỏ rủi ro. Thực tế luôn tồn tại rủi ro, đa dạng hóa không bảo vệ danh mục hoàn toàn khỏi rủi ro. Thay vào đó, bà Lina khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tham khảo phương pháp đa dạng hóa danh mục hiệu quả và cải thiện được khả năng phục hồi, thông qua các bước (1) đánh giá, sau đó phân bổ; (2) chọn đa dạng hóa tích hợp; (3) xem xét và cân bằng lại; (4) mở rộng khoản đầu tư.
Có thể bạn quan tâm