Kiểm soát livestream - phòng rủi ro từ xa
Để thanh tra, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng với nền tảng công nghệ số hoá hiện nay không phải là việc bất khả thi.
>>Những phiên livestream doanh thu trăm tỷ: Đại diện Tiktok trả lời ra sao?
Cả đại gia đình đang quây quần ăn cỗ giỗ ông chú thì cô em họ tôi hét lên: “Chết dở quá, giờ em phải vào ngay phiên livestream để mua ít kem chống nắng chống tia cực tím đang giảm giá kịch sàn với nhiều voucher ưu đãi lắm”.
Thế là cô ấy bỏ dở bữa cơm, nhảy lên gác ôm điện thoại. Ở dưới nhà còn nghe rõ tiếng chủ kênh liến thoắng: “Loại kem dùng cực kỳ thích luôn, mình chấm 10 điểm…”. Câu chuyện mọi người dưới nhà cũng râm ran theo câu chuyện bán hàng online với nhiều phiên đồn đại doanh số lên hàng trăm tỷ đồng.
Thực tế cho thấy cách bán hàng livestream (bán hàng trực tuyến) đã thắng thế cách bán hàng truyền thống qua hệ thống phân phối cửa hàng, cửa hiệu với nhiều lợi ích cho cả người mua lẫn người bán. Người mua chẳng cần phải đi đâu, cứ ngồi nhà chọn đồ, săn giảm giá rồi chuyển tiền nhận hàng. Người bán chẳng cần đầu tư cửa hàng, cửa hiệu, cứ chuẩn bị kho hàng, bộ đồ livestream, đội ngũ phụ bán và vận chuyển là lên sóng bán hàng với doanh số rất cao.
Thủ tướng Chính phủ ký Công điện ngày 06 tháng 06 năm 2024 yêu cầu Bộ Tài Chính thanh tra hoạt động livestream bán hàng. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm bán hàng giả, kém chất lượng, trốn thuế, nhận hoa hồng quảng cáo trái phép… sẽ bị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, xử lý.
Đây là việc làm hết sức cần thiết và không sớm, nếu như không muốn nói là muộn khi hoạt động livestream diễn ra từ lâu, bùng phát mạnh mẽ mà phương thức quản lý vẫn chưa thống nhất, đồng bộ, gây thất thu thuế cho ngân sách.
Ở khía cạnh vi mô, thương mại điện tử có nhiều ưu việt, trở thành kênh phân phối nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều hàng hoá trong lúc kinh tế đang trong tình trạng “thừa hàng, thiếu tiền”. Bên cạnh đó còn kéo theo sự phát triển của giao dịch điện tử cho các thanh khoản mua bán, thúc đẩy sự chuyên nghiệp hoá của hệ thống vận chuyển, phân phối hàng hoá.
Livestream có giá cả cạnh tranh vì ngoài phí thuê sàn, phần trả % doanh thu cho sàn điện tử như Shopee, Tiktok, Youtube, Facebook… ra thì việc nộp thuế, chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc đảm bảo an toàn của sản phẩm còn khá mập mờ. Không ít doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng sự mập mờ này kiếm lợi rất lớn trong thời gian ngắn. Còn người tiêu dùng thường xuyên mua được sản phẩm với giá “sập sàn” rẻ đến mức không tưởng, chưa kể luôn bị sự hấp dẫn của phiếu giảm giá, ưu đãi (voucher) làm người mua như bị nghiện livestream.
Ở góc nhìn vĩ mô, nếu cứ thả lỏng kiểm soát thì sản phẩm nước ngoài sẽ tràn ngập, phá giá thị trường, doanh nghiệp nội địa sẽ đuối dần. Việt Nam thành thị trường làm thuê và tiêu thụ đơn thuần. Khi doanh nghiệp nội địa gục hẳn thì sản phẩm và doanh nghiệp nước ngoài trở thành độc quyền, mà độc quyền rồi thì có quyền thao túng giá cả, chất lượng, rồi đến cái kim sợi chỉ cũng phải phụ thuộc nước ngoài.
Không tự chủ sản xuất sẽ không thúc đẩy được phát minh, sáng chế, áp dụng khoa học kỹ thuật, người lao động làm công việc thuần chân tay như robot chạy bằng cơm, mất hết sức sáng tạo. Việt Nam lại bị ràng buộc bởi các hiệp định thương mại tự do, internet không chỉ kết nối con người mà còn xoá bỏ biên giới về của cải vật chất.
Các quốc gia giàu có phát triển đều nằm trong WTO, có Shopee, Tiktok, Lazada, Amazon… Nếu áp thuế hàng hoá nước ngoài, cụ thể là hàng hoá từ Trung Quốc thì họ cũng áp ngược thuế với nông sản, thuỷ sản… của Việt Nam xuất sang. Nên chỉ có cách ngăn chặn hàng nhập tiểu ngạch, trốn thuế qua biên giới, mở rộng hành lang để hàng chính ngạch qua cửa khẩu, thu thuế chặt chẽ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Mô hình truyền thống từ nhà sản xuất tới hệ thống phân phối, đại lý bán lẻ… tới người tiêu dùng tạo thành các mắt xích trung gian để cùng vận hành. Nay thương mại điện tử sẽ bóp chết hệ thống trung gian này, gia tăng thêm mặt bằng trống cùng lượng người mất việc.
>>Thấy gì đằng sau phiên livestream 75 tỉ đồng?
Tham rẻ hoàn toàn phụ thuộc vào hàng hoá nước ngoài là đi vào con đường chết. Người mua hoa mắt với lợi ích trước mắt, còn về lâu dài sẽ tự biến mình thành cá nhân trong xã hội tiêu thụ, gánh hậu quả về hàng kém chất lượng, thất nghiệp, thất thu thuế.
Để thanh tra, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng với nền tảng công nghệ số hoá hiện nay không phải là việc bất khả thi. Toàn bộ hoạt động bán hàng đều có thông số rõ ràng ngay trên phiên livestream, từ đặt cọc đến thanh toán đều qua thanh toán trực tuyến. Chỉ cần yêu cầu khai báo tài khoản cá nhân rồi lấy sao kê là truy thu được. Kể cả có giao hàng nhận tiền mặt thì tiền vẫn quay về chỗ người bán hàng, chỉ cần yêu cầu chứng minh nguồn gốc, kê khai tài sản là ra hết.
Cơ quan quản lý yêu cầu cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân chính chủ, có kê khai nộp thuế mới được thực hiện livestream bán hàng. Việc làm này cũng là bảo vệ người tiêu dùng tránh việc mua hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khi người mua được nắm đằng chuôi nhờ hệ thống pháp luật bảo vệ. Đồng thời, tránh cả việc người người, nhà nhà đua nhau livestream bán hàng dẫn đến cung vượt cầu, sẽ lại chèn ép, cạnh tranh bẩn với nhau.
Người dân mong chờ sau đợt thanh tra này sẽ thanh lọc, làm sạch môi trường livestream bán hàng, đảm bảo quyền lợi, ích hợp pháp của cả nhà nước và người dân.
Có thể bạn quan tâm
Những phiên livestream doanh thu trăm tỷ: Đại diện Tiktok trả lời ra sao?
04:21, 10/06/2024
ĐBQH “lo” livestream bán hàng 1 ngày hàng trăm tỷ đồng
16:07, 04/06/2024
Quản lý livestream bán trăm tỷ đồng mỗi ngày cách nào?
14:00, 04/06/2024
Thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng thế nào?
00:03, 02/06/2024
Thấy gì đằng sau phiên livestream 75 tỉ đồng?
14:34, 14/03/2024