Hậu bầu cử, EU "manh nha" thay đổi Thỏa thuận Xanh
Mục tiêu đầu tiên của đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) sau bầu cử có thể sẽ là đảo ngược lệnh cấm xe hơi động cơ đốt trong nằm trong Thỏa thuận Xanh.
>>Kinh tế châu Âu sắp “hạ cánh mềm”
Đảng EPP dọa đảo ngược chính sách xanh
Manfred Weber, lãnh đạo đảng EPP cam kết sẽ thúc đẩy việc dỡ bỏ lệnh cấm động cơ đốt trong các cuộc đàm phán trong những ngày tới. Ông nói với tờ Politico sau khi công bố kết quả bầu cử, rằng lệnh cấm này là một “sai lầm”, đồng thời cam kết rằng đảng EPP sẽ thảo luận về việc này trong những ngày tới.
Đây là tuyên bố đáng chú ý đầu tiên về chính sách được lãnh đạo đảng theo đường lối trung hữu vừa giành được nhiều ghế nhất trong Nghị viện châu Âu trong cuộc bầu cử vừa qua. Lệnh cấm bán ô tô động cơ đốt vào năm 2035 nằm trong kế hoạch của Thỏa thuận Xanh (Green Deal) của EU nhằm cắt giảm lượng khí thải vốn đang làm nóng lên toàn cầu.
Theo kết quả bầu cử công bố 9/6, đảng EPP, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (RE) vẫn giữ được đa số với tổng cộng 400/720 ghế trong Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ 2024-2029. Với 186 ghế, nhóm EPP trung hữu tiếp tục giữ được vị thế là lực lượng chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, trong khi liên minh trung tả S&D giữ vững vị trí thứ hai với 135 ghế.
Điều đáng chú ý sau cuộc bầu cử này là sự vươn lên của các đảng cực hữu. Các chuyên gia cho rằng dù chưa thể đạt đa số ghế, phe này vẫn có một kỳ bầu cử thành công và sẽ làm thay đổi đáng kể đường lối chính trị của châu Âu.
Giờ đây, các kế hoạch lịch sử của EU nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu đang bị tấn công sau một cuộc bầu cử, trong đó các đảng cánh hữu tăng mạnh trong khi đảng Xanh của châu Âu thất bại.
Peter Liese, nhà lập pháp khí hậu hàng đầu của EPP, nói rằng kết quả bầu cử đã chứng minh tầm nhìn của đảng về một Thỏa thuận Xanh ít hạn chế hơn - kế hoạch mang tính bước ngoặt của EU nhằm loại bỏ ô nhiễm khí nhà kính vào năm 2050.
“Chúng ta sẽ cần phải thực hiện một số điều chỉnh. Lệnh cấm động cơ đốt trong cần phải được dỡ bỏ,” ông Peter Liese nói. Một lĩnh vực quan trọng khác sẽ là nông nghiệp- lĩnh vực mà EPP đã cam kết sẽ bảo vệ khỏi các quy định khí hậu khắc nghiệt hơn.
>>Trung Quốc tung loại xe điện mới, châu Âu lại lo ngại
Một Thỏa thuận Xanh thực tế hơn?
Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu 2024 có thể ảnh hưởng đáng kể đến tương lai của Thỏa thuận Xanh- chương trình môi trường và khí hậu quan trọng của Liên minh châu Âu.
Đảng EPP đã bày tỏ sự chỉ trích đối với một số đề xuất chính sách trong Thỏa thuận Xanh, đặc biệt là những đề xuất liên quan đến động cơ đốt trong hay việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và khôi phục tự nhiên. Lâu nay, những lãnh đạo của đảng này vẫn chỉ trích các mục tiêu của đạo luật này là quá khắt khe và có thể đặt gánh nặng không công bằng lên nông dân tại một thời điểm mà họ đã được yêu cầu tăng cường sản xuất thực phẩm.
Với tuyên bố của Weber, có khả năng đảng này sẽ tìm cách điều chỉnh hoặc thậm chí hủy bỏ một số đề xuất của Thỏa thuận Xanh mà họ cho là có hại cho lợi ích kinh tế hoặc quá mức cứng nhắc.
Alexandr Vondra, một ủy viên Nghị viên châu Âu (MEP) của Séc từng hoạt động về luật khí hậu cho nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cánh hữu, dự báo chính sách khí hậu sẽ trở nên “thực tế” hơn trong 5 năm tới.
“Thỏa thuận Xanh chưa chết. Nhưng chúng ta sẽ cần xem những tuần tới sẽ mang lại điều gì,” Michael Bloss, một MEP đảng Xanh của Đức cho biết và nhấn mạnh nếu có đa số các đảng cánh hữu tham gia thì khả năng xảy ra thoái trào là có thể xảy ra.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cũng không hề dễ dàng. Hủy bỏ lệnh cấm ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quan điểm của ứng cử viên hàng đầu của EPP - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Bà là người đã đưa ra lệnh cấm và ủng hộ nó khi vận động tranh cử nhiệm kỳ 5 năm thứ hai với tư cách là lãnh đạo điều hành hàng đầu của EU. Bất kỳ động thái nào nhằm loại bỏ luật này cũng sẽ bắt đầu một cuộc chiến toàn diện với các đảng cánh tả ủng hộ động thái này.
Điều này có thể dẫn đến những xung đột với các thành viên khác trong Nghị viện châu Âu, bao gồm cả những đảng ủng hộ mạnh mẽ chương trình như Greens/EFA và Renew Europe, cũng như ảnh hưởng đến các chính sách liên quan đến khí hậu và môi trường tại EU.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, Thỏa thuận Xanh vẫn được xem là một phần không thể thiếu trong chiến lược dài hạn của EU để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Do đó, các cuộc đàm phán và thỏa hiệp chính trị sẽ rất quan trọng để xác định tương lai của các chính sách này trong bối cảnh mới sau bầu cử. Như ông Liese cho biết, EPP vẫn cam kết mạnh mẽ về vai trò của EU vào việc giảm phát thải xuống mức 0 vào năm 2050.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều doanh nghiệp châu Âu “khó thở” tại Trung Quốc
03:30, 11/05/2024
Hàng không châu Âu gây tranh cãi về vấn đề “tẩy xanh”
03:00, 11/05/2024
Châu Âu và "ván cược" ngành chip lần hai
03:30, 06/05/2024
Quốc gia nào đang dẫn đầu tăng trưởng ở châu Âu?
03:00, 03/05/2024
Doanh nghiệp châu Âu đánh giá ra sao về thị trường Việt Nam?
03:30, 09/04/2024