Cải cách tiền lương - nửa mừng, nửa lo

HÀ THU 12/06/2024 10:42

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

>>Sắp tăng lương - Làm gì để chống “bão giá”?

Có thể khẳng định, chính sách tiền lương mới sẽ giúp nâng cao mức sống và điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời khuyến khích họ nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối, nhất với mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm... phải kiểm soát được giá cả hoặc điều tiết hợp lý.

Do đó, các chuyên gia tiền lương mong muốn Chính phủ quan tâm thực hiện kiểm soát giá, tránh tình trạng lương chưa tăng, giá cả đã tăng. Bởi thực tế nhiều năm nay, đã có tình trạng cứ tăng lương là giá hàng hóa lại “té nước” tăng theo. Điều này khiến giá trị của việc tăng lương bị suy giảm, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều vì lo sợ lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa tăng.

Người lao động kỳ vọng đợt cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây sẽ cải thiện được đời sống,

Người lao động kỳ vọng đợt cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây sẽ cải thiện được đời sống.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương thì giá cả lại tăng là do hiện tượng độc quyền trong mua bán vẫn xảy ra; hệ thống phân phối còn yếu và nhiều trung gian; quan hệ giữa người sản xuất và người bán lẻ chưa công bằng… Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm, khi nhu cầu trong 6 tháng cuối năm dự báo tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Liên quan đến vấn đề này, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/3/2024, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... "tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường".

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương". - Thủ tướng yêu cầu.

Mới đây nhất, Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng giá đột ngột và tăng giá cùng một thời điểm, hạn chế tác động lên lạm phát, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

>>Tăng lương tối thiểu vùng: Cần sự chia sẻ và đồng cảm

Việc kiềm chế lạm phát, không tăng giá đột ngột nhất là vào đợt tăng lương, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp. Theo giới phân tích, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, không nên tăng giá để tìm kiếm lợi nhuận, mà phải có giải pháp hài hòa. Đó là giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng, thà cung cấp cho thị trường số lượng hàng hóa lớn còn hơn giá cao nhưng buôn bán ế ẩm. Nếu như, các siêu thị cùng với nhà sản xuất thống nhất không tăng giá để ổn định thị trường, đó là cách hài hòa lợi ích.

Bên cạnh đó, để hạ được giá thành hàng hóa và dịch vụ hoặc không tăng giá, doanh nghiệp phải tính toán cải tiến cách làm, tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng sức cạnh tranh, hàng hóa mới không bị "làm giá" mỗi khi có biến động về tăng lương.

Đặc biệt, để hàng hóa dịch vụ không tăng giá, trong các khoản chi phí đầu vào còn có khoản cho các loại thủ tục hành chính. Nếu như các cơ quan Nhà nước làm thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, không nhũng nhiễu phong bao phong bì, thì giá thành sẽ các loại sản phẩm sẽ giảm.

Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng. Để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỉ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỉ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ phương án cải cách tiền lương thông tin, từ 1/7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, sau khi tiến hành cải cách tiền lương, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng lương, bình quân mỗi năm khoảng 7%.

"Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp. Tuy đặt ra mục tiêu cụ thể, nhưng nhiều khả năng kế hoạch cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây sẽ chưa thể làm luôn và như vậy chậm tăng lương từ 1/7 là có thể xảy ra". - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chắc chắn sẽ phải tăng lương cho công chức, viên chức, không thể lùi lại. Tuy nhiên, đối với các đơn vị tự chủ tài chính hoặc tự chủ một phần sẽ cần phải tính toán lại cho phù hợp. Với các đơn vị đang gặp khó khăn, trước mắt có thể tạm thời tính theo mức cũ, tức là lương mới sẽ không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương, chờ khi có văn bản hướng dẫn sẽ điều chỉnh và truy lĩnh.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, hy vọng, việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tới đây sẽ thật sự có ý nghĩa đúng như mục tiêu tăng lương đã đề ra. 

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp tăng lương - Làm gì để chống “bão giá”?

    04:30, 22/05/2024

  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị tăng lương hưu 8%

    00:00, 20/02/2024

  • Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lãnh đạo được đề xuất tăng lương thưởng?

    02:00, 13/11/2023

  • Tăng lương tối thiểu vùng: Cần sự chia sẻ và đồng cảm

    01:30, 25/07/2023

  • Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”

    04:00, 17/07/2023

HÀ THU