"Đặc sản" cho du khách khi đến vùng núi Quảng Ninh

MINH HUỆ 12/06/2024 00:05

Quảng Ninh ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thì nơi đây còn có nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điểm nhấn trở thành "đặc sản" gây thương nhớ cho du khách.

>>>Quảng Ninh: Thêm nhiều hành trình mới tham quan vịnh Hạ Long và Bái Tử Long

Bảo tồn lễ hội gắn với phát triển du lịch

Ông Nguyễn Quang Minh – Du khách Việt Kiều Đức chia sẻ, ông xa nhà từ năm 13 tuổi, đến nay đã 54 tuổi. Mỗi lần có dịp về quê hương tôi rất thích trải nghiệm tại Bình Liêu. Đến Bình Liệu một huyện miền núi với trên 96% là dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây cảnh vật non nước hữu tình, con người rất thân thiện. Đặc biệt mảnh đất này còn có các hội và lễ hội đặc sắc diễn ra suốt bốn mùa. Mùa xuân, hạ, Bình Liêu có lễ hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng cọ, hội Kiêng gió; mùa thu, đông, mảnh đất miền biên giới lại rộn ràng với hội Mùa vàng, hội hoa sở...

Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Mỗi dân tộc ở Bình Liêu với phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng, đã dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, đồng thời cũng là tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế du lịch.

Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số

Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số

Theo ông Điệp, từ đây, các mô hình du lịch cộng đồng đã từng bước hình thành và mang lại hiệu quả. Các homestay mang phong cách bản địa, các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, nghề truyền thống tại nhà người địa phương, các hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, đặc biệt đá bóng nữ Sán Chỉ trong các dịp lễ hội. Qua đó, mang lại lợi ích kép, giúp người dân vừa được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, tạo thu nhập, nâng cao đời sống, vừa đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, lễ hội truyền thống.

"Để nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi vào cuộc sống, chúng tôi quan tâm bảo tồn, sưu tập, phục dựng những giá trị đặc sắc; chọn lựa và đưa chúng thành nguyên liệu cho các sản phẩm, trải nghiệm cho các hành trình du lịch. Điều thú vị là du khách rất ưa thích" - ông Điệp nói.

Theo đó, các lễ hội truyền thống được tổ chức với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi, đặc sắc cùng nhiều hoạt động đa dạng theo truyền thống, chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử bất biến theo thời gian, như Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (16/3 âm lịch), Ngày hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán (4/4 âm lịch)...Đến đây, du khách được thưởng thức tiếng hát then - đàn tính, các làn điệu soóng cọ, sán cố, tấu kèn Piêng diệt...

Hội thi đẩy gậy mùa hoa sở - Bình Liêu

Hội thi đẩy gậy mùa hoa sở - Bình Liêu

Ngoài Bình Liêu, nhiều địa phương cũng dần "định vị" được thương hiệu điểm đến bằng các lễ hội đặc sắc. Ba Chẽ có các Lễ hội Bàn Vương, miếu Ông - miếu Bà, đình Làng Dạ, Ngày hội văn hóa dân tộc Tày, Sán Chay... Tiên Yên có sức hút của Lễ hội mùa vàng vùng cao Đại Dực, lễ hội các dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu... gắn với nghi lễ đặc trưng, như: Lảu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan.  Hay đó là lễ hội cầu an Sóng Mun người Dao Thanh Y (Hải Hà), lễ hội hoa sim vùng cao Hải Sơn (Móng Cái)... Tới đây, du khách được đắm chìm trong cảnh đẹp, sắc màu trang phục thổ cẩm của các cô gái Tày, Sán Chay; ấn tượng với các nghi thức đặc sắc của lễ cấp sắc, nhảy lửa...

Không chỉ vậy, nhiều nét đẹp phong tục, các nghi lễ đặc sắc của đồng bào cũng được lựa chọn, phục dựng và trở thành nguyên liệu cho những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút sự tò mò khám phá của khách du lịch, như: Đám cưới người Dao ở xã Hà Lâu, người Sán Dìu ở xã Hải Lạng (Tiên Yên), đám cưới người Sán Chỉ trên rẻo cao xã Lục Hồn (Bình Liêu); lễ cơm mới, trình diễn trang phục người Dao và các dân tộc ở Bình Liêu; tục leo dao trong lễ Đại Phan người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), lễ nhảy lửa ở xã Nam Sơn (Ba Chẽ)...

Đưa lễ hội, phong tục đẹp đến với du khách

Theo Sở Du lịch, Quảng Ninh hiện có 42 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, mỗi dân tộc có lễ hội riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Lễ hội đã làm cho không khí các thôn, bản tưng bừng sống động, đồng bào các dân tộc phấn khởi, hào hứng tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, đồng thời tăng cường gắn kết cộng đồng không ngừng khơi dậy ở mỗi người dân ý thức gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa quý báu.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu... trên địa bàn tỉnh mang dấu văn hóa đặc sắc, đã và đang phát huy giá trị, trở thành những tài nguyên du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo đại diện Công ty Du lịch Thương mại Dịch vụ home Xanh, hiện nay vào các dịp lễ hội, nhiều địa phương cũng kêu gọi liên kết với các Công ty kéo tour trải nghiệm cho du khách. Đơn cử, ở TP Hạ Long có các lễ hội văn hóa truyền thống như hội làng Bằng Cả, lễ cầu an đầu năm của người Sán Dìu (phường Hà Phong); TX Đông Triều tổ chức trình diễn nghệ thuật dân gian người Tày (xã Tràng Lương) phục vụ du khách ở Quảng Ninh Gate...lượng khách đến tham quan trải nghiệm với các tour này cùng khá đông. Tuy nhiên, hiện việc phát huy các giá trị trên phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều lễ hội, nét đẹp phong tục tập quán được phục dựng, tổ chức thiếu đặc sắc, còn chung chung hoặc chưa được quan tâm do thiếu nguồn kinh phí.

Hoàng hôn trên vùng núii Bình Liêu

Hoàng hôn trên vùng núii Bình Liêu

Được biết, gần đây UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, quan tâm phát huy giá trị văn hóa người DTTS bằng việc tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển du lịch; quan tâm các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người DTTS; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy... văn hóa phi vật thể. 

Giai đoạn I, từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025), tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng một số hạ tầng khác, phục vụ phát triển du lịch. Tin rằng, dự án sẽ là đòn bẩy giúp giữ gìn, khai thác tốt những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS cho phát triển du lịch, góp phần để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững của đồng bào trong thời gian tới đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều thông điệp ý nghĩa được truyền tải qua Lễ hội vì Hòa bình

    Nhiều thông điệp ý nghĩa được truyền tải qua Lễ hội vì Hòa bình

    01:00, 01/06/2024

  • Độc đáo lễ hội hái mận ở Mộc Châu

    Độc đáo lễ hội hái mận ở Mộc Châu

    00:52, 20/05/2024

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024: Bừng sáng miền di sản

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024: Bừng sáng miền di sản

    21:41, 16/05/2024

MINH HUỆ