"Vacxin" nào để tăng "đề kháng" vượt khó cho doanh nghiệp ở Nghệ An?
Gần 1.000 doanh nghiệp chọn phương án tạm ngừng hoạt động, hàng trăm doanh nghiệp thông báo giải thể… là những gì đang hiện hữu trong bức tranh doanh nghiệp Nghệ An.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế phân tích, các doanh nghiệp rời bỏ thị trường đa phần có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, sức khỏe tài chính không ổn định, mức độ cạnh tranh thấp, trình độ quản trị yếu. Do vậy, không nên vì thế mà quá lo ngại bởi đây chỉ là bước khởi đầu cho tiến trình sàng lọc, cải tổ doanh nghiệp để hướng tới sự phát triển bền vững, ổn định và lâu dài.
Loạt doanh nghiệp bỏ “cuộc chơi”
Mặc dù năm 2024 đã đi qua hơn nửa chặng đường, vậy nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nghệ An vẫn không mấy khả quan khi ghi nhận nhiều tín hiệu kém tích cực. Điều này thể hiện rõ nhất qua báo cáo số lượng doanh nghiệp thoái lui khỏi thị trường tính từ đầu năm đến nay.
Theo đại diện ngành Thống kê tỉnh Nghệ An thông tin, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 22/5/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 993 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19,49% so với cùng kỳ năm ngoái; số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 99 đơn vị, tăng 10%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp đã giải thể là 104 doanh nghiệp, tăng 4% và số doanh nghiệp thông báo giải thể là 189 doanh nghiệp, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023.
>>Khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp dệt may
Riêng chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp tính đến thời điểm cuối tháng 5/2024 cũng chỉ bằng 99,42% so với cùng thời điểm năm trước. Điển hình như: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng bằng 98,7%; ngành chế biến, chế tạo bằng 99,47%; ngành sản xuất và phân phối điện đạt 97,96%;…
Trong khi đó, nếu xét theo loại hình kinh tế, lao động khu vực nhà nước giảm 8,56%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,5% và chỉ ghi nhận sự lạc quan đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) khi tăng 11,8% về chỉ số sử dụng lao động.
Những số liệu nêu trên cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong bối cảnh hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp lỗ càng thêm lỗ, trong khi đó sức khỏe tài chính lại không ổn định, sức cạnh tranh thấp, trình độ quản lý yếu kém đã đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng và phải chọn cách thoái lui khỏi thị trường.
>>Tiếp tục định hướng giảm lãi suất vay, hỗ trợ doanh nghiệp
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hoàng – một thành viên của BNI Nghệ An phân tích: Nguyên nhân dẫn đến thực cảnh trên, đó là do tình hình thế giới còn nhiều bất ổn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu liên tục bị bào mòn đến mức cạn kiệt kể từ sau đại dịch Covid-19 cùng một số chính sách, quy định còn chưa thực sự nhất quán, thiếu đồng bộ,… đã gây tổn thương nặng nề cho doanh nghiệp trên địa bàn.
“Số lượng doanh nghiệp Nghệ An thoái lui khỏi thị trường hiện nay chủ yếu là khối doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động đa ngành nghề và rất dễ bị suy yếu khi nền kinh tế thị trường xảy ra biến động, gặp nhiều khó khăn. Sức cạnh tranh thấp, yếu và thiếu về dòng vốn là điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp này rời bỏ thị trường” – ông Hoàng nhận định.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Tương tự, khi đánh giá về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong thời gian qua, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy mô doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn có sự hạn chế nhất định, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần đông, vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý chưa cao, hiệu quả thấp và đặc biệt là chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực, trong nước và quốc tế.
“Việc nhiều doanh nghiệp liên tục rời bỏ cuộc chơi, thoái lui khỏi thị trường là điều có thể lường trước. Không nên vì thế mà lo ngại với hiện tượng trên bởi đây chỉ đơn giản là sự sàng lọc về chất lượng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với số vốn ít ỏi, tư duy quản lý, tầm nhìn hạn chế thì chắc chắn không thể theo kịp môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay” - bà Phạm Thị Thơ, CEO Công ty TNHH TM&DV Giải Pháp Xanh phân tích.
>>Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước là ưu tiên hàng đầu
Cũng qua tìm hiểu PV được biết, chủ trương nhất quán của chính quyền tỉnh Nghệ An là phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất, qua đó đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Vì vậy, trái ngược với góc nhìn kém lạc quan nêu ở mục trên thì bức tranh doanh nghiệp xứ Nghệ trong quãng thời gian vừa lại cho thấy nhiều hình ảnh khởi sắc với những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng 13,15% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý một số ngành dẫn dắt tăng trưởng, điển hình như ngành công nghiệp khai khoáng tăng 31,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,04%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,65%...
Một điểm sáng khác đáng ghi nhận trong bức tranh nền kinh tế Nghệ An từ đầu năm đến nay, đó là hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn có sự tăng trưởng tích cực cả về kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách Nhà nước.
Đơn cử, chỉ tính riêng trong Quý I/2024, số lượng doanh nghiệp đã tham gia làm thủ tục hải quan là 345 doanh nghiệp, trong đó 261 doanh nghiệp xuất khẩu, 163 doanh nghiệp nhập khẩu; tổng số tờ khai đăng ký làm thủ tục là 17.914 tờ khai, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Nghệ An đạt 1.018 triệu USD, trong đó xuất khẩu 529,9 triệu USD, nhập khẩu 488,1 triệu USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng, số thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/4/2024 là 460,61 tỷ đồng, đạt 35,43% chỉ tiêu pháp lệnh (1.300 tỷ đồng), đạt 34,71% chỉ tiêu phấn đấu (1.327 tỷ đồng), tăng 132,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về nội dung này, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và bất ổn nhưng các cấp, ngành, các địa phương đã bám sát tình hình biến động của thế giới và trong nước để có những giải pháp ứng phó linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Do vậy, kết quả sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh”.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán “mất điện” mùa nắng nóng ở Nghệ An?
02:29, 09/06/2024
Sức bật lớn đưa Nghệ An lên vị thế mới
14:42, 07/06/2024
Nghệ An “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
18:13, 05/06/2024
Nghệ An - Sẵn sàng cất cánh
09:40, 05/06/2024
Thấy gì khi IIP Nghệ An tăng trưởng mức 2 con số?
12:27, 02/06/2024