Quảng bá du lịch gắn với các giá trị văn hoá, lịch sử
Sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hoá, lịch sử đã tạo nên sức mạnh thúc đẩy phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần quảng bá mảnh đất, con người Hải Phòng đến du khách trong, ngoài nước.
>>>Trưng bày ảnh “Hải Phòng với Trường Sa - Trường Sa với Hải Phòng”
Đi tàu hỏa thăm cảng biển 150 năm tuổi
Hải Phòng từ lâu đã được biết đến là thành phố Cảng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất miền Bắc, là đô thị lớn thứ 3 cả nuớc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. TP Hải Phòng với bề dày lịch sử phát triển, có nhiều điểm tham quan, danh thắng, kiến trúc và các cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch cao cấp. Đây là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách.
Trong khu vực nội thành, bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa, điểm tham quan như Nhà hát thành phố, Quán hoa, Bảo tàng Hải Phòng, Tuợng dài Nữ tuớng Lê Chân, Ðền Nghè, Ðình Hàng Kênh, Dải công viên trung tâm… Nói đến TP Hải Phòng không thể không nói đến Cảng Hải Phòng, cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia với lịch sử hơn 100 năm gắn với quá trình phát triển của TP Hải Phòng.
Cảng Hải Phòng gắn liền với sự phát triển của đô thị Hải Phòng, với vùng đất và con người Hải Phòng, hình thành thương hiệu "Ðất Cảng" duy nhất ở Việt Nam. Cảng Hải Phòng được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Hiện, Cảng Hải Phòng được kết nối với Ga Hải Phòng bằng hệ thống đường sắt, qua đó thành tuyến giao thông duờng sắt ngắn trong nội đô ra Cảng với diểm dừng tại Ga Cảng Hải Phòng. Với những dấu ấn lịch sử, văn hóa đặc trưng, Cảng Hải Phòng rất hấp dẫn với du khách.
Để khai thác tiềm năng du lịch này, Hiệp hội du lịch TP Hải Phòng đang xây dựng tour tham quan cảng Hải Phòng trên tàu hỏa và kỳ vọng đây sẽ sản phẩm độc đáo, hút khách du lịch. Tour trải nghiệm "Chuyến tàu thăm cảng" dự kiến kéo dài trong hai tiếng với điểm xuất phát từ ga Hải Phòng đi vào cảng Hoàng Diệu, tham quan khu nhà kho có từ thời Pháp, tượng đài công nhân cảng, nhà truyền thống, nhà sinh hoạt công nhân, theo Sở Du lịch Hải Phòng. Tại các điểm đến đều có hướng dẫn viên thuyết minh về quá trình hình thành, phát triển cảng Hải Phòng, biểu tượng của thành phố.
Theo ông Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, cảng Hoàng Diệu, hay còn được gọi là cảng Hải Phòng đã 150 năm tuổi, là cảng duy nhất trên thế giới có đường sắt chạy sát với cầu cảng. Cảng Hải Phòng có nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa đặc trưng, có thể trở thành một điểm đến rất hấp dẫn với du khách. Theo quy hoạch của TP Hải Phòng, cảng Hoàng Diệu sẽ được di dời để chỉnh tranh đô thị, xây cầu Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, một số công trình lịch sử trong cảng sẽ được giữ lại để tạo điểm nhấn cho cảnh quan. Tuyến đường sắt đi vào cảng cũng được đề xuất giữ lại để xây dựng sản phẩm du lịch trong tươi lai. Nếu được đồng ý triển khai, "Chuyến tàu thăm cảng" sẽ là một sản phẩm không nơi nào có, nâng tầm du lịch Hải Phòng.
Bảo tồn, kết nối các giá trị văn hoá, lịch sử
Thực tế, sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hoá, lịch sử sẽ tạo nên sức mạnh thúc đẩy phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, mảnh đất và con người Hải Phòng nói riêng đến du khách trong nước, quốc tế.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, TP Hải Phòng không chỉ là thành phố Cảng công nghiệp mà thành phố đang từng ngày phát triển về văn hóa, du lịch; có nhiều giá trị văn hoá đặc sắc, mang đậm truyền thống chung của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến nay, hệ giá trị văn hoá Hải Phòng tiếp tục được hun đúc, kết tinh, hội tụ và toả sáng. TP Hải Phòng có gần 1.000 giá trị di sản, trong đó có 555 di sản được xếp hạng các cấp cùng nhiều lễ hội như: Chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội Minh Thề, lễ hội nữ tướng Lê Chân, lễ hội Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm... thu hút du khách đến Hải Phòng. Hiện TP Hải Phòng có nhiều di sản cần gìn giữ và cũng muốn giới thiệu tới công chúng cả nước và quốc tế những nét đẹp văn hóa này.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Đồ Sơn là vùng đất có từ lâu đời và trầm tích văn hóa lịch sử với nhiều giá trị lớn. Hiện địa phương đang khai thác, phát huy những giá trị để tạo nên những sản phẩm du lịch phù hợp, thu hút được du khách đến với Đồ Sơn trong suốt bốn mùa. Các điểm du lịch nổi tiếng tại Đồ Sơn như: Quần thể đa búp đỏ có niên đại trên 500 năm, Lễ hội chọi trâu, Bến K15 - Nơi xuất phát đường Hồ Chí Minh trên biển, chùa Hang - nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam theo đường biển... cũng được quảng bá rộng rãi đến du khách.
Năm 2024, ngành Du lịch Hải Phòng phấn đấu đón khoảng 9,1 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt mục tiêu thu hút 9,1 triệu lượt khách du lịch trong năm nay, các doanh nghiệp trọng điểm du lịch nói riêng và toàn ngành du lịch TP Hải Phòng nói chung đang nỗ lực xây dựng các chương trình, hoạt động quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với thành phố.
Đặc biệt, để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của du khách, các doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới để mở rộng hệ sinh thái; tập trung khai thác tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ khách hàng. Đồng thời, đặt mục tiêu phát triển dựa trên 3 trục chính: du lịch xanh - chuyển đổi số - mở rộng phạm vi kết nối liên kết.
Theo ông Phạm Ngọc Tuân - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương, từ lợi thế hạ tầng giao thông, Dragon Ocean Đồ Sơn được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong hành trình kết nối di sản thế giới, mang tới diện mạo mới cho ngành du lịch miền Bắc. Phía doanh nghiệp cũng mong muốn, hoạt động của mình sẽ góp phần làm mới du lịch Đồ Sơn, cùng với Cát Bà, đưa du lịch Hải Phòng ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm