Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024: Tránh chồng chéo pháp luật
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét một số quy định để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo pháp luật.
>>Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024: Cần cụ thể hóa chính sách
Theo đó, việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai đã và đang trở nên cấp bách khi Luật Đất đai 2024 dự kiến sẽ có hiệu lực từ 01/8/2024. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung tại Dự thảo Nghị định vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế.
Đồng bộ về quản lý và sử dụng đất
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai gồm 10 Chương và 114 Điều, hướng dẫn thi hành hơn 50 nội dung của Luật Đất đai. Trong đó, Dự thảo đã chỉnh lý quy định về xác định loại đất đối với trường hợp không có giấy tờ hoặc trường hợp loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định của Luật Đất đai hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo hướng bổ sung việc xác định trên cơ sở hiện trạng…
Đồng thời chỉnh lý về đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đối với phần diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, không phải nộp tiền thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai; bổ sung quy định về đất sử dụng cho cảng hàng không, sân bay dân dụng theo hướng bổ sung thời hạn cảng vụ hàng không sân bay có trách nhiệm rà soát, báo cáo UBND cấp tỉnh diện tích đất đã giao, cho thuê, diện tích đất còn lại chưa giao, chưa cho thuê trong tổng số diện tích đã được Nhà nước giao cho cảng vụ hàng không sân bay.
Ngoài ra, Dự thảo cũng chỉnh lý sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo hướng dẫn chiếu diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa…
>>Hoàn thiện 3 nghị định quan trọng về đất đai
Vẫn còn những bất cập
Góp ý Dự thảo Nghị định, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết, Dự thảo còn nhiều quy định chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn. Chẳng hạn, về phân loại nhóm đất phi nông nghiệp tại điểm c khoản 6 Điều 5 Dự thảo quy định: Đất thương mại dịch vụ là đất để xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại…
Tuy nhiên, tại Điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 ghi nhận tính hợp pháp của công trình lưu trú du lịch được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giải quyết vướng mắc pháp lý của các công trình này nhưng Dự thảo chưa quy định kế thừa nội dung trên.
Do đó, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung vào điều khoản chức năng của đất thương mại, dịch vụ được xây dựng công trình lưu trú du lịch để giảm thiểu vướng mắc thực tiễn.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, khoản 7 Điều 125 Luật Đất đai 2024 có quy định, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản; khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.
Trong khi đó, Dự thảo Nghị định lại quy định: “Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất”.
Bà Nga cho rằng, quy định này cố định mức tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, các bên không được quyền thỏa thuận và lựa chọn nhiều mức tiền đặt trước như Luật Đấu giá tài sản 2016. Điều này mâu thuẫn với Luật Đấu giá tài sản cho dù mục đích để đảm bảo việc tham gia và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ thể khi tham gia đấu giá. Do đó, cần làm rõ nội dung này để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật.
Liên quan đến các vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý Dự thảo Nghị định mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (phiên bản thẩm định ngày 28/5/2024) quy định về công bố dự án đầu tư có sử dụng đất để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo quy định này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà đầu tư sẽ dựa vào danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất được HĐND cấp tỉnh quyết định để đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đề xuất dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 60 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: UBND cấp tỉnh công bố danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất được HĐND cấp tỉnh quyết định để “các nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
“Quy định này là chưa thống nhất với quy định tại Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Đề nghị bỏ quy định này, áp dụng quy định tại Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất”, VCCI đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024: Cần cụ thể hóa chính sách
00:06, 13/06/2024
Hoàn thiện 3 nghị định quan trọng về đất đai
11:40, 12/06/2024
HoREA: 4 góp ý hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai
05:00, 11/06/2024
Quốc hội đồng ý đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024
11:05, 27/05/2024
Chính phủ thống nhất Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024
14:53, 17/05/2024
Doanh nghiệp “gặp khó” trong vấn đề đất đai
11:00, 12/05/2024